Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 17-9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tình hình của nông dân thời gian qua.
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, nông dân chiếm gần 70% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội nhưng đời sống còn nhiều khó khăn dù thời gian qua có nhiều cải thiện, tâm trạng vẫn còn nhiều băn khoăn, bức xúc. Một bộ phận nông dân bỏ ruộng, vườn, bỏ chăn nuôi, xa rời nông thôn để đi làm việc khác có thu nhập cao hơn. Theo báo cáo chưa đầy đủ cả nước có khoảng 42.000 hộ bỏ 6.900 ha đất không canh tác; trong đó Nghệ An bỏ gần 2000ha, Nam Định 500 ha, Hải Dương 300 ha.... Nhiều vùng ở nông thôn hiện nay lực lượng lao động chủ yếu là người già, phụ nữ đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Thêm vào đó, do việc đầu tư, hỗ trợ cho nông dân còn ít, nông dân thiếu và khó tiếp cận vốn (có 15,3% hộ nông dân được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, bình quân mỗi hộ vay 20,4 triệu đồng; 6,7% hộ nông dân được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, bình quân mỗi hộ vay 41 triệu đồng), thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, kỹ năng sản xuất. “Đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, vì nông dân chưa tiếp cận được đại lý cấp I và cấp II mà phải qua nhiều khâu trung gian khi mua vật tư. Trong khi đó, đầu ra thì thấp, bấp bênh, phải qua nhiều cấp trung gian, nông dân không tự quyết định được giá bán nông sản của mình làm ra mà do thương lái quyết định nên vẫn bị ép giá, tình trạng được mùa mất giá, nên càng sản xuất càng bị thua lỗ”-ông Lại Xuân Môn nêu.

 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn phát biểu


Chủ tịch Hội Nông dân cũng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số nơi chạy theo thành tích, nóng vội, thiếu dân chủ, có nơi dân chủ hình thức để tình trạng nợ trong xây dựng cơ bản còn nhiều, huy động quá sức dân. Không ít nơi nông dân chưa được làm chủ thực sự trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (cả nước nợ đọng trên 16.000 tỷ đồng; trong đó tỉnh Bắc Ninh hơn 600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 500 tỷ đồng, Nghệ An hơn 500 tỷ đồng, Quảng Bình hơn 400 tỷ đồng...).

Những lo lắng hiện nay của nông dân cũng được Hội Nông dân Việt Nam nêu lên như tác động của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hộ nông dân; nhiều thông tin thất thiệt làm cho nông dân điêu đứng trong sản xuất như dùng chổi quét rau ở Thanh Hóa; ăn chuối, bưởi gây ung thư ở tỉnh Tiền Giang; xoài ở Đồng Tháp dùng túi đựng trái cây có chứa chất độc; nhãn lồng ở Hưng Yên “xông hơi” bằng lưu huỳnh, sầu riêng ở Lâm Đồng nhúng phân bón lá, ăn cá rô phi bị ung thư; thương lái bơm tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng; bơm nước vào lợn, trâu, bò ở Gia Lai và Tây Ninh; trộn đất đỏ bazan vào nông sản nhập từ Trung Quốc giả mạo nông sản trồng tại Lâm Đồng ...; tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc, gia cầm kém chất lượng, thực phẩm bẩn vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân; tình trạng “cát tặc” hoành hành, khai thác khoáng sản trái phép, “lâm tặc” chặt phá rừng; ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.

Đặc biệt, ở một số nơi nông dân bức xúc với cán bộ địa phương đã ăn chặn tiền hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân như ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội ăn chặn 1,2 tỷ đồng tiền hỗ trợ tưới tiêu; xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng ăn chặn 490 triệu đồng tiền hỗ trợ làm thủy lợi nội đồng; ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang khai khống hàng trăm ha bị thiệt hại do hạn, mặn để lấy tiền hỗ trợ; ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu nợ tiền lương giáo viên, chế độ người cao tuổi để xây dựng nông thôn mới.

“Đời sống của cư dân nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững”, Chủ tịch Hội Nông dân nêu.

Từ thực tế đó, Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị có Nghị quyết chuyên đề xây dựng Hội và giai cấp nông dân Việt Nam gắn với nội dung việc xây dựng mẫu hình người nông dân mới với các tiêu chí “nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới” để nông dân nâng cao sản xuất, thu nhập, cải thiện đời sống trong thời kỳ hội nhập. Cũng theo Hội Nông dân, vừa qua Bộ NN-PTNT đã kiểm tra, phát hiện Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản đã cấp khống hơn 800 giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm thức ăn nuôi trồng thủy sản cho 70 doanh nghiệp để thu lợi bất chính; 11 tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định được phép chứng nhận chất lượng, thử nghiệm phân bón có sai phạm phải đình chỉ hoạt động.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho tổng kiểm tra, rà soát và làm cơ cở cho việc quy trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức để xảy ra sai phạm, tránh tình trạng chỉ đổ lỗi cho nhau, do năng lực cán bộ yếu, thiếu, mỏng, rút kinh nghiệm cho xong và xử lý nghiêm minh, dứt điểm để tránh thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân”, ông Môn đề xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần thành lập Ban chỉ đạo để tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và các cơ sở giám định, kiểm nghiệm, cấp phép cho các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp.

Cũng theo phân tích của Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay nhiều sản phẩm của Việt Nam nhất là nông sản như dưa hấu, thanh long, hành tím, cá tra, tôm... vào mùa thu hoạch rộ tiêu thụ khó khăn, phụ thuộc vào thị trường nước ngoài (Trung Quốc, Mỹ, EU...) không ổn định, bị ép giá. Tình trạng “được mùa, rớt giá” thường xuyên xảy ra. Một số nơi nông sản phải đổ đi hoặc phải sử dụng làm thức ăn gia súc, thiệt hại nặng nề đối với nông dân. Trong khi đó thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân đầy tiềm năng, lợi thế thì nhiều nơi  không có nông sản để mua, người tiêu dùng phải mua giá cao (từ 3- 5 lần bán tại gốc) mà không đủ cung cấp. “Để khắc phục tình trạng trên, giúp nông dân tiêu thụ nông sản, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo kết nối thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước”, ông Lại Xuân Môn đề nghị.

Vẫn theo ông Lại Xuân Môn, thực tế hiện nay có gần 7.000 loại phân bón, nhưng nạn phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng gây thiệt hại rất lớn cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính (trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường xử lý trên trên 3.000 vụ vi phạm, với khối lượng 10.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng). Trên thị trường vẫn còn khoảng 50% phân bón giả, không đảm bảo chất lượng chưa được phát hiện. Vì vậy, Hội Nông dân đề nghị mặt trận giám sát việc thực hiện pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh, bảo vệ quyền lợi cho nông dân.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm