Kinh tế

Nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Biến đổi khí hậu gây ra hạn hán, thiếu nước tưới dẫn đến thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân tỉnh Gia Lai đã ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Lợi ích kép

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh cuối năm 2022 đạt 562.700 ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm khoảng 310.800 ha; cây công nghiệp dài ngày khoảng 220.700 ha; cây dược liệu 2.200 ha và cây ăn quả 29.000 ha. Trước diễn biến thời tiết ngày càng khó lường do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, nhiều hộ dân, HTX và doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tại huyện Đak Đoa, người dân và doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên 13.164 ha cây trồng gồm: 9.408 ha cà phê, 925 ha cây ăn quả, 1.431 ha hồ tiêu, 1.000 ha rau quả và 400 ha khoai lang. Ông Nguyễn Quang Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn-cho biết: Công ty có khoảng 416 ha chuối xuất khẩu và một số cây trồng khác tại huyện Đak Đoa đã được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Hệ thống này được lắp đặt theo từng lô, kết hợp bón phân hòa tan vào nước dẫn đến từng gốc giúp cây chuối phát triển tốt.

“Mỗi héc ta ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đầu tư hết 30-40 triệu đồng. Hệ thống tưới này giúp doanh nghiệp giảm nhân công lao động, trong khi vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, đảm bảo mỗi ngày xuất khẩu 3-4 container chuối sang thị trường các nước trên thế giới”-ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.

Người dân xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trên cây dâu tây. Ảnh: ND

Người dân xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trên cây dâu tây. Ảnh: ND

Còn tại huyện Đak Pơ, người dân cũng đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến trên các loại rau màu, cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có hơn 617 ha cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Trong đó, nông dân tự đầu tư ứng dụng hơn 596 ha; HTX và doanh nghiệp 14 ha và Nhà nước hỗ trợ xây dựng mô hình khoảng 6,5 ha.

Ông Hàn Lưu Thủ (thị trấn Đak Pơ) cho hay: “Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước trên 3 sào rau màu của gia đình. Hệ thống này mang lại hiệu quả cao nhờ tiết kiệm nước, phân bón, công lao động. Với hệ thống tưới này, tôi có thể duy trì sản xuất 3-4 vụ rau/năm”.

Mở rộng diện tích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến

Toàn tỉnh hiện có 44.265,5 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gồm: hơn 12.577 ha cà phê, 2.421,8 ha hồ tiêu, 7.268,4 ha rau, đậu đỗ, khoảng 10.438,8 ha cây ăn quả... Trong đó, diện tích do người dân tự đầu tư là hơn 33.219,8 ha, doanh nghiệp hơn 9.096 ha và Nhà nước đầu tư 142,8 ha.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 100 ngàn ha, trong đó, diện tích đã tái canh là 1.688 ha. Qua rà soát của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh hiện còn khoảng 10.000 ha cà phê cần được tái canh để đảm bảo năng suất, chất lượng. Diện tích cà phê lớn, song việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn thấp. Hiện mới có hơn 12.577 ha cà phê áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (chiếm 12,5%). Nguyên nhân là do chi phí đầu tư hệ thống tưới này khá cao, bình quân 30-40 triệu đồng/ha.

Hệ thống tưới tiết kiệm nước giúp vườn chanh dây của bà Nguyễn Thị Hồng Nhã (thị trấn Đak Pơ) sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: N.D

Hệ thống tưới tiết kiệm nước giúp vườn chanh dây của bà Nguyễn Thị Hồng Nhã (thị trấn Đak Pơ) sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: N.D

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp-dịch vụ Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê): Hợp tác xã hiện có 200 ha cà phê kinh doanh của các thành viên. Từ trước đến nay, người dân vẫn tưới theo phương pháp truyền thống là tưới dí hoặc dùng béc chứ chưa áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, nhỏ giọt bởi chi phí đầu tư khá lớn.

“Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp chuyên cung cấp, lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, nhỏ giọt xây dựng mô hình thí điểm khoảng 10 ha cà phê của HTX. Trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ một phần, còn người dân và HTX cần đóng góp bao nhiêu để chúng tôi tính toán thực hiện. Khi thấy được hiệu quả tưới cho cây cà phê thì lúc đó các thành viên sẽ tự bỏ vốn đầu tư nhân rộng”-ông Hưng đề xuất.

Hệ thống tưới phun mưa tại vườn ươm Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng Gia Lai. Ảnh: N.D

Hệ thống tưới phun mưa tại vườn ươm Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng Gia Lai. Ảnh: N.D

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp bón phân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vẫn còn rất hạn chế so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

“Thời gian tới, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công nghệ tưới nhỏ giọt để người dân, doanh nghiệp, HTX nhân rộng; xây dựng chính sách hợp tác giữa doanh nghiệp cung ứng hệ thống tưới nhỏ giọt với các HTX và người dân thông qua hợp đồng cụ thể; tham mưu các cấp về chính sách hỗ trợ tưới tiết kiệm, hỗ trợ chuyển đổi số… Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 120 ngàn ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm