(GLO)- Với tổng mức đầu tư trên 34 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, cầu Ia Rmok bắc qua sông Ba được kỳ vọng sẽ giúp người dân các xã Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Phú Cần và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai) đi lại, giao thương thuận tiện, an toàn hơn.
Khẩn trương thi công
Công trường thi công cầu Ia Rmok những ngày này rất tất bật với tiếng ì ầm của máy xúc, máy cẩu, xe tải chuyên chở nguyên vật liệu. Anh Nguyễn Hữu Đoài-Tổ trưởng kiêm phụ trách kỹ thuật công trình thuộc hạng mục thi công của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510-chia sẻ: “Theo kế hoạch thì chỉ khoảng 20 ngày nữa công trình phải hoàn thành. Để đáp ứng yêu cầu đề ra, chúng tôi nhiều lúc phải tăng ca làm đêm, thông trưa hay dậy từ sáng sớm nhằm tận dụng khoảng thời tiết mát mẻ cho anh em công nhân làm việc đỡ vất vả vì thời tiết ở Krông Pa nắng nóng rất gay gắt”.
Ngoài điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công việc của các công nhân Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510-đơn vị phụ trách thi công phần cọc khoan nhồi mố trụ và dầm cầu-còn bị ảnh hưởng không ít do mực nước sông không ổn định mỗi khi các công trình thủy điện nằm trên sông Ba xả nước hoặc chặn tích nước. “Có lúc nước dâng bất ngờ làm phương án thi công của chúng tôi buộc phải thay đổi. Điều này tất nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ”-anh Đoài cho biết thêm.
Cầu Ia Rmok đang dần hoàn thành. Ảnh: H.L |
Với chiều dài 330 m, bao gồm 10 nhịp, cầu Ia Rmok có kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước. Đây là một trong những cây cầu dân sinh lớn nhất trong Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAM), gói thầu GL05-XD01. Công trình do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý Dự án 4 (Bộ Giao thông-Vận tải) và Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm đại diện chủ đầu tư. Công trình được chính thức khởi công ngày 19-8-2018. Đơn vị thi công là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng 465 và Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510. Theo kế hoạch, công trình sẽ được hoàn tất trước ngày 19-8-2019.
Nói về tiến độ thực hiện công trình, ông Nguyễn Hữu Bá-Tổ trưởng Tổ quản lý Dự án LRAM, phụ trách gói thầu GL05-XD01-cho biết: Đến nay, công trình đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc. Đơn vị thi công đã lao được 8/10 nhịp. Những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa bão nên việc thi công lao tiếp 2 nhịp cầu còn lại thuộc hạng mục thi công của Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 bị gián đoạn. Tuy nhiên, ở những khu vực đã cơ bản hoàn thành hệ thống dầm, Công ty cổ phần Xây dựng 465 cũng đang bắt tay thực hiện thi công đường hai đầu cầu, lan can… “Đại diện chủ đầu tư thường xuyên theo dõi, đôn đốc đơn vị thi công để đảm bảo tiến độ đề ra cũng như yêu cầu chất lượng công trình. Chúng tôi cố gắng hoàn thành công trình sớm nhất để phục vụ người dân đi lại trong mùa mưa lũ năm nay”-ông Bá nhấn mạnh.
Nhịp cầu lòng dân
Về ý nghĩa của cầu Ia Rmok, ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa-chia sẻ: Lâu nay, người dân các xã phía Nam sông Ba mỗi khi có việc phải vượt sông thường đi đò vào mùa mưa lũ hoặc đi trên cầu tạm vào mùa nước cạn, dù trên địa bàn đã có cầu Phú Cần. Lý do là bởi, nếu đi qua cầu tạm hay đi đò, người dân sẽ rút ngắn được chặng đường hơn 10 km so với việc đi vòng theo lối cầu Phú Cần. Việc đi lại qua cầu tạm hay đi đò đều ít nhiều bất tiện, chưa kể nguy cơ tai nạn luôn thường trực. Không những thế, việc vận chuyển hàng hóa với trọng tải lớn qua sông không thể dùng đò hay cầu tạm. Bởi vậy, khi cầu Ia Rmok được đầu tư xây dựng, người dân khu vực lân cận rất mừng bởi đã giải quyết được nhu cầu cấp bách trong vấn đề đi lại, trao đổi hàng hóa của bà con. Đặc biệt, cây cầu sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản vì lý do chi phí vận chuyển. Điều này càng có ý nghĩa khi hơn 70% dân số tại các xã này là người Jrai. Đây cũng là những địa phương có diện tích mì, lúa, bắp khá lớn của huyện.
Hơn ai hết, người dân sống tại các xã phía Nam sông Ba là vui mừng nhất. Bởi không lâu nữa, họ sẽ không còn phải chờ đò hay thót tim khi vượt sông trên cây cầu tạm mà được đi trên cây cầu bê tông rộng rãi và an toàn. Ông Kpah Wik (60 tuổi, buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) phấn khởi nói: “Tôi sống ở Ia Rmok từ năm 1975 đến nay. Trước đây, người dân các xã phía Nam sông Ba đều phải đi đò qua sông, sau đó mới có cầu tạm. Thương nhất là các cháu học sinh, rồi thầy-cô giáo ở thị trấn mỗi buổi đến trường phải qua đò, vượt cầu tạm nguy hiểm. Bây giờ làm cầu, tôi mừng vì mọi người sẽ không còn khó khăn hay đối mặt nguy hiểm trong mỗi chuyến vượt sông”.
HẢI LÊ