(GLO)- Với phương châm chủ động, linh hoạt và an toàn, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch dạy học mới ứng phó với tình hình dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022.
Chú trọng nội dung trọng tâm, cốt lõi
Sau một thời gian tổ chức dạy và học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 27-9, Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) đón học sinh đến trường. Hiệu trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: “Nhà trường đang thực hiện giảng dạy theo tinh thần Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Công văn số 2138/SGDĐT-GDTrHCTTX của Sở GD-ĐT. Theo đó, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng giảm tải, tập trung vào những nội dung trọng tâm nhằm giúp học sinh tiếp thu bài tốt nhất. Chúng tôi đã tổ chức rà soát chương trình và ưu tiên dạy học lý thuyết cơ bản cho học sinh; riêng khối 12, bố trí thêm 2 tiết trái buổi/ngày đối với các môn thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, máy móc, đường truyền để sẵn sàng phục vụ dạy học trực tuyến”.
Em Nguyễn Thành Lợi (lớp 12A1) bộc bạch: “Chúng em nghỉ học lâu vì dịch Covid-19 nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu kiến thức. Do đó, khi được các thầy cô tập trung dạy những nội dung kiến thức căn bản, chúng em tiếp thu bài tốt hơn, hào hứng học hơn, nhất là với những môn sẽ thi tốt nghiệp THPT”.
Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: Thiên Di |
Tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro), thầy Nguyễn Ngọc Pháp-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Chúng tôi đang triển khai dạy học giảm tải theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT. Theo đó, đối với một số môn thực hành, giáo viên sẽ hướng dẫn để học sinh tự học. Với học sinh khối 6, vì là năm đầu tiên áp dụng dạy học theo bộ sách giáo khoa mới nên nhà trường chú trọng xây dựng lại chương trình dạy học giảm tải nhằm đạt chất lượng giáo dục tốt nhất”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kông Chro-cho biết: “Ngay sau khi nhận được công văn của Sở GD-ĐT, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai áp dụng dạy học giảm tải theo đúng quy định. Vì các trường đều tổ chức dạy và học trực tiếp từ đầu năm học đến nay nên việc giảm tải không nhiều như những địa phương dạy trực tuyến. Mặt khác, để đảm bảo dạy và học trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, phương án khác nhau, xây dựng chương trình giảm tải phù hợp, đồng thời chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học trực tuyến khi cần”.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở cũng kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung liên quan. Theo đó, tất cả cơ sở giáo dục xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục; tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp; kịp thời tổ chức dạy những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình; kết hợp ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch Covid-19.
Các trường tận dụng thời gian học sinh đến trường để dạy kiến thức trọng tâm. Ảnh: Mộc Trà |
Bên cạnh đó, các trường tuân thủ nguyên tắc không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự làm; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm. Đồng thời, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi trường có thể tổ chức dạy nhiều hơn 6 buổi/tuần. Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang-thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức dạy học trực tuyến khi cần thiết. Riêng đối với lớp 1 ở vùng dân tộc thiểu số, cần tập trung thời lượng để dạy tiếng Việt cho học sinh, tuyệt đối không để học sinh lên lớp 2 mà chưa biết đọc, biết viết.
“Ngày 14-9, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, tiểu học và trung học nhằm giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới đầy khó khăn, thử thách. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học ứng phó với dịch Covid-19 nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu cần đạt của chương trình”-ông Định thông tin.
Đảm bảo kiến thức cho học sinh
Vì có học sinh là F0 nên thầy và trò Trường Tiểu học Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) không thể tiếp tục tới lớp. Bên cạnh tuân thủ nghiêm việc cách ly y tế theo quy định, nhà trường đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến kể từ ngày 27-9. Cô Nguyễn Thị Hải Yến-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Sau khi ổn định tư tưởng, tâm lý cho học sinh, chúng tôi tiếp tục tổ chức hoạt động dạy và học bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom hoặc Google Meet. Đối với lớp 1 và 2, giáo viên hướng dẫn phụ huynh cho con học thêm qua chương trình trên kênh VTV7; đồng thời, gửi video qua nhóm Zalo của lớp mình để học sinh tự học. Riêng những em không có điều kiện học trực tuyến, giáo viên sẽ liên hệ trực tiếp với phụ huynh, tìm mọi cách để đảm bảo 100% học sinh tiếp cận được kiến thức theo tiến độ chương trình.
Vừa hoàn thành buổi dạy trực tuyến, cô Trần Thị Bích Ngọc-giáo viên Trường Tiểu học Bùi Dự-chia sẻ: “Lớp do tôi chủ nhiệm có 28 học sinh, trong đó có 1 em là F0, 22 em là F1. Hầu hết học sinh đã thành thạo các thao tác học tập trực tuyến nên quá trình dạy và học không gặp nhiều khó khăn, thậm chí các em còn chủ động tương tác khá tốt với giáo viên. Bản thân tôi cũng cố gắng truyền đạt cho các em những nội dung kiến thức trọng tâm nhất của từng bài học”.
Cô Trần Thị Bích Ngọc-giáo viên Trường Tiểu học Bùi Dự dạy học trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà |
Nhiều cơ sở giáo dục khác trong tỉnh cũng linh hoạt kết hợp việc dạy học trực tiếp tại lớp với học trực tuyến tại nhà, hoặc thông qua ứng dụng Zalo, messenger, email... để gửi tài liệu học tập cho những học sinh chưa thể tới lớp vì dịch Covid-19. Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Krông Pa) cho hay: Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đi học tập trung từ ngày 13-9. Năm học này, toàn trường có 25 lớp với 1.220 học sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng hơn 10 em chưa thể tới trường do đang kẹt ở các vùng dịch, cư trú tại địa phương thuộc vùng vàng, cam hoặc gia đình có người đang phải cách ly y tế. Đối với những trường hợp này thì tổ chức cho các em học tập trực tuyến, tiếp cận kiến thức bằng nhiều phương pháp.
Em Nay H’Lê (lớp 12A3) chia sẻ: “Bố mẹ em vào Đồng Nai làm công nhân từ tháng 5-2021. Vì dịch Covid-19 nên em vẫn chưa thể trở về trường học tập. Trong 3 tuần qua, thầy cô và các bạn trong lớp cũng hỗ trợ gửi bài cho em để học. Ngoài ra, em còn tham gia học trực tuyến qua ứng dụng K12Online. Hy vọng em sẽ sớm được quay về nhà và trực tiếp đến trường học tập”.
Nhằm đảm bảo cho tất cả học sinh đều tiếp cận nội dung chương trình năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường kết hợp linh hoạt dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác ở những vùng có nguy cơ (vàng, cam, đỏ). Trong trường hợp trường học ở vùng xanh nhưng có một số học sinh hoặc giáo viên cư trú tại vùng đỏ, cam, vàng thì học sinh tiểu học và THCS nghỉ học; sau khi trở lại trạng thái bình thường thì đi học lại và sẽ được thầy-cô giáo bổ sung kiến thức để theo kịp với các học sinh khác. Học sinh THPT sẽ được nhà trường bố trí lịch học trực tuyến. Giáo viên trú tại các vùng nguy cơ tạm thời không đến trường, nhà trường sẽ bố trí giáo viên khác dạy thay.
“Thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ triển khai xây dựng phòng học thông minh, ở lớp học có hệ thống camera tại các trường THPT. Khi đó, học sinh ở nhà vẫn có thể tham gia học trực tuyến nội dung bài giảng của giáo viên dạy trực tiếp trên lớp học. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát chính xác thông tin học sinh bị mắc kẹt ngoài tỉnh, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh sớm có chủ trương hỗ trợ đón các em trở về”-Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin thêm.
THIÊN DI - MỘC TRÀ