Du lịch

Hành trang lữ hành

Để ẩm thực miền trung đến gần hơn với thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền trung từ lâu đã gây ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước. Để giúp giá trị ẩm thực miền trung nổi bật hơn, đặc biệt trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 là vấn đề đã được các chuyên gia bàn thảo tại hội thảo trực tuyến “Giá trị thực dụng - Nền văn hóa ẩm thực miền Trung” vừa diễn ra cuối tuần qua. 

 
Miền trung có nguồn nguyên liệu đặc biệt phong phú, giá trị, có rất nhiều tiềm năng để phát triển và đến gần với du khách quốc tế. Ảnh minh họa: Pullman Đà Nẵng
Miền trung có nguồn nguyên liệu đặc biệt phong phú, giá trị, có rất nhiều tiềm năng để phát triển và đến gần với du khách quốc tế. Ảnh minh họa: Pullman Đà Nẵng
Ẩm thực - tài nguyên quý giá của du lịch Việt Nam
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận nhất với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản Tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được ghi danh thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO. Đặc biệt, với sự phong phú, đa dạng, hài hòa và tinh tế, ẩm thực Việt Nam luôn được coi là di sản văn hóa, cũng là tài nguyên du lịch quý giá của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam đã tạo ra tiếng vang và nhận được giải thưởng lớn của thế giới như Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2019, gỏi cuốn và phở của Việt Nam cũng được CNN bình chọn trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới năm 2019. Nhiều chính trị gia hàng đầu thế giới như cựu tổng thống Mỹ Barack Obama hay những nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng trên thế giới khi đến Việt Nam đều dành thời gian thưởng thức các món ăn tinh hoa của ẩm thực Việt Nam.

Để ẩm thực miền trung đến gần hơn với thế giới hậu đại dịch Covid-19 -0Món bún bò Huế đầy màu sắc hấp dẫn. Ảnh: BlueDragonTours
Món bún bò Huế đầy màu sắc hấp dẫn. Ảnh: BlueDragonTours
Thời gian qua, các di sản văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đã làm tốt vai trò như một đại sứ du lịch, góp phần thu hút hàng triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tổng cục trưởng khẳng định “Con đường di sản miền Trung” là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch đang làm cho các giá trị của di sản văn hóa và ẩm thực Việt Nam được tôn vinh và tỏa sáng.
Nhưng để quảng bá hơn nữa giá trị của ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực miền trung nói riêng tới bạn bè quốc tế trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, cần có sự chuẩn bị ngay lúc này. Đó là sự chuẩn bị về mặt kết nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp… trong việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực, gắn với sản phẩm “Con đường di sản miền Trung”, tạo sức lan tỏa tới các vùng miền khác trong cả nước, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mở cửa, đón khách quốc tế khi đại dịch được đẩy lùi.
Đưa ẩm thực miền trung gần hơn với thế giới
Câu hỏi làm cách nào để ẩm thực miền trung thực sự tới gần hơn với bạn bè, du khách quốc tế được các chuyên gia trong lĩnh vực thảo luận sâu. Trong đó, các chuyên gia tập trung vào vấn đề chuẩn hóa cơ sở ẩm thực, áp dụng công nghệ cao, gia tăng kết nối giữa nghệ nhân và doanh nhân, chính sách tạo điều kiện,…
Cần chuẩn hóa các cơ sở ẩm thực để du khách đến miền trung có thể dễ dàng tìm kiếm để thưởng thức là yếu tố được TS Đoàn Minh Phú - Tổng Giám đốc chuỗi nhà hàng Thế giới Hải sản Việt Nam nhấn mạnh. Theo TS Phú, cần nghiên cứu khẩu vị tùy theo vùng miền, gia giảm gia vị cho phù hợp để khách ở khắp nơi có thể thưởng thức các món ăn ngon của miền trung.
Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành ẩm thực, TS Huỳnh Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ông Bếp đề cao việc áp dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản để mang lại giá trị cao hơn và lâu bền hơn cho sản phẩm ẩm thực miền trung.
TS Huỳnh cho rằng, cần có giải pháp chế biến các nguyên liệu thô thành các sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao, mà ở đó công nghệ hiện đại đóng vai trò quan trọng.
Ông khẳng định, bằng kiến thức, tầm nhìn, đam mê và công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc phát huy các giá trị ẩm thực miền trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó hình thành thương hiệu và quảng bá rộng rãi thương hiệu ẩm thực du lịch Việt Nam ra thế giới.

Món ăn miền trung dân dã nhưng vô cùng ấn tượng, đặc sắc. Ảnh: Vietnamtourism
Món ăn miền trung dân dã nhưng vô cùng ấn tượng, đặc sắc. Ảnh: Vietnamtourism
Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của kết nối "4 nhà" (Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh), ông Đinh Hài, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, Hội viên Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam đề nghị về phía chính quyền cần có chính sách tạo nhận thức chung về hỗ trợ phát triển văn hóa ẩm thực, tạo điều kiện hình thành các vùng nguyên liệu sạch, các đường phố ẩm thực sạch đẹp, đồng thời khuyến khích nhà nông tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cung cấp đầu vào cho các cơ sở kinh doanh ẩm thực.
Các nghệ nhân cần tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ẩm thực để phát huy ngày càng tốt các giá trị ẩm thực Việt Nam. Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, liên kết các bên, chuẩn hóa về đào tạo chế biến món ăn.
Đồng tình với quan điểm này của ông Đinh Hài, TS Đoàn Minh Phú khẳng định, cần phải tạo ra được mối kết nối giữa nghệ nhân ẩm thực với doanh nhân. Mà ở đây, vai trò của Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam rất quan trọng trong việc tổ chức kết nối nghệ nhân và doanh nhân, quảng bá sản phẩm, xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả…
Chia sẻ quan điểm ở yếu tố liên kết “4 nhà”, ông Lã Quốc Khánh, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh mong muốn trong thời gian tới sẽ hình thành các sản phẩm ẩm thực tốt và được quảng bá rộng rãi, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nghệ nhân ẩm thực và doanh nhân.
Ông đề nghị các sở quản lý văn hóa, thể thao và du lịch ở các địa phương miền trung tiếp tục hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực này thông qua xây dựng chính sách, tạo điều kiện hình thành các hội văn hóa ẩm thực ở địa phương để bảo tồn và phát huy ngày càng tốt các giá trị ẩm thực.
Nêu bật vai trò của mô hình kinh doanh tốt, ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn nêu thực tế, hiện doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này ở Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức nhất định trong việc nghiên cứu, xác định thị trường, chuẩn hóa quy trình, đào tạo nhân sự, phát triển thương hiệu, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng chi phí… Do vậy, cần có sự phối hợp các nguồn lực nhà nước và tư nhân nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhấn mạnh tới hiệu quả của hình thức quảng bá trực tuyến, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, chưa mở cửa thị trường quốc tế thì xúc tiến quảng bá trực tuyến là cách thức đem lại hiệu quả nhất, đưa du lịch, văn hóa, ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá để giới thiệu du lịch ra thế giới thông qua các kênh truyền hình, website, mạng xã hội.
Ông Phương cho rằng, với những hiệu quả đạt được, kể cả sau dịch bệnh, hoạt động trực tuyến vẫn sẽ là một xu hướng chủ đạo của tương lai. Do vậy, trong thời gian tới, cần có các chương trình trực tuyến giới thiệu cụ thể về các món ăn đặc sắc của miền trung cũng như tất cả vùng miền trong nước.
Hội thảo trực tuyến “Giá trị thực dụng - Nền văn hóa ẩm thực miền Trung” là sự kiện thứ 2 được tổ chức nằm trong chuỗi sự kiện “Sáng kiến cộng đồng: Du lịch Văn hóa ẩm thực - Con đường di sản miền Trung” do Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, với sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA).
T.LINH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm