Đề án Bệnh viện vệ tinh tại Gia Lai mang lại hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tháng 12-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt đề án Bệnh viện vệ tinh Tim mạch, Ung bướu và Y học hạt nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2016-2020. Sau các bước chuẩn bị, ngày 1-1-2018, Khoa Tim mạch, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bắt đầu đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho người dân.
Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) được Bệnh viện Tim Hà Nội đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng. Khoa hiện có 11 bác sĩ, được giao biên chế 50 giường bệnh nhưng số giường thực kê lên đến 69 giường. Dù đi vào hoạt động chưa được 2 năm nhưng số bệnh nhân đến điều trị tại đây rất đông.
 Bác sĩ Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: N.N
Bác sĩ Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm hỏi bệnh nhân. Ảnh: N.N
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Quang Việt-Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội-cho biết: Năm 2016, ngay sau khi được Bộ Y tế phê duyệt, giao nhiệm vụ là bệnh viện hạt nhân tham gia đề án Bệnh viện vệ tinh, đơn vị đã chủ động hướng dẫn các bệnh viện vệ tinh khảo sát, đánh giá thực trạng… để có sự hỗ trợ phù hợp. Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được 20/28 nội dung về 3 lĩnh vực: nội tim mạch, can thiệp tim mạch và ngoại khoa tim mạch cho 119 cán bộ.
Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp với Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thực hiện đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 12 ca, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho 2 ca. Nhiều bệnh nhân tim mạch trước kia phải thường xuyên vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Huế, Hà Nội để điều trị thì nay đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, điều trị tại chỗ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Năm 2018, Khoa đã thu dung điều trị cho 2.297 lượt bệnh nhân; riêng 9 tháng năm 2019 là 1.919 lượt bệnh nhân.
 Chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 6, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mẹ tôi bị suy tim 3 năm nay, mỗi tháng phải đi tái khám 1 lần tại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng từ giữa năm 2018 trở lại đây, biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thành lập Khoa Tim mạch nên gia đình tôi đưa mẹ về đây điều trị. Các bác sĩ nhiệt tình, chăm sóc chu đáo”.
Trong khi đó, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn. Khoa có 6 bác sĩ, biên chế được giao là 40 giường bệnh. Từ năm 2016 đến nay, Khoa đã được Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật như: chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung bướu cơ bản; những tiến bộ trong chẩn đoán một số bệnh ung thư; kỹ thuật xét nghiệm sinh thiết tức thì bằng phương pháp cắt lạnh; truyền hóa chất tĩnh mạch; điều trị và chăm sóc giảm nhẹ… Hiện tại, Khoa đã triển khai thực hiện các gói kỹ thuật: chăm sóc và điều trị giảm nhẹ, truyền hóa chất tĩnh mạch, điều trị hóa chất bằng đường uống. Trong năm 2018, Khoa tiếp nhận và điều trị, chăm sóc giảm nhẹ cho 634 lượt bệnh nhân; 9 tháng năm 2019 có 685 lượt bệnh nhân được điều trị, chăm sóc giảm nhẹ và 24 bệnh nhân được truyền hóa chất tĩnh mạch.
Theo bác sĩ Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của Khoa Tim mạch và Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân là thiếu nguồn nhân lực cùng trang-thiết bị y tế. “Bệnh viện rất mong nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ hoặc tạo nguồn kinh phí thực hiện đề án nhiều hơn của UBND tỉnh; sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống phòng mổ-thiết bị gây mê-hồi sức tim mạch. Bên cạnh đó cần có chính sách đãi ngộ nhằm thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị tỉnh đề xuất với Bộ Y tế gia hạn cho đơn vị hoàn thành đề án Bệnh viện vệ tinh đến năm 2022 thay vì năm 2020”-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiến nghị.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm