Ảnh: Huỳnh Lê |
Theo Điều 1 Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức”. Như vậy, người tiêu dùng ở đây được đề cập là người tiêu dùng cuối cùng còn người mua sản phẩm về bán lại không được xem là người tiêu dùng.
Theo Nghị định số 55/2008/NĐ-CP ngày 24-4-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có thể khiếu nại dưới mọi hình thức (điều 16). Khi phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, người tiêu dùng hoặc đại diện hợp pháp khiếu nại đến 2 địa chỉ: Thứ nhất, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ; thứ hai, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật (điều 15).
Thời hiệu khiếu nại là 6 tháng kể từ ngày người tiêu dùng thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ về việc quyền, lợi ích của mình bị vi phạm (điều 17). Thời hạn giải quyết khiếu nại là 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận khiếu nại hoặc 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận khiếu nại nếu hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng hoặc các trường hợp cần thiết khác. Tại địa phương, Sở Công thương chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh tiến hành hoà giải khiếu nại của người tiêu dùng trong phạm vi địa phương mình quản lý.
Ngoài ra, trong bất kỳ thời điểm nào người tiêu dùng thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm đều có thể khởi kiện ra Toà án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Theo điều 427 Bộ luật Dân sự thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Hiện nay tỉnh ta chưa có Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là người tiêu dùng khi mua sản phẩm nên yêu cầu người bán hàng xuất hoá đơn.
Huỳnh Lê