Kinh tế

Doanh nghiệp

Đề cao cảnh giác nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, bên cạnh những cảnh báo của Mỹ với Việt Nam về chính sách can thiệp thị trường ngoại hối cũng như hiện tượng xuất siêu, Việt Nam cũng cần đề cao cảnh giác trước nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc mượn đường Việt Nam, rồi tìm cách xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ.
 
Cuộc đấu trí giữa Tổng thống Donald Trum và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa đi tới hồi kết.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hay cuộc đấu trí giữa Tổng thống Donald Trum và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn khiến giới đầu tư ở trong trạng thái tâm lý lo ngại. Bởi đây không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại, ẩn sau đó là cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới với những diễn biến được thể hiện theo hình thái vừa đánh – vừa đàm giữa hai bên.
Đứng giữa vòng xoáy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một tình huống có khả năng xảy ra với Việt Nam từng được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cảnh báo, đó là doanh nghiệp Trung Quốc có thể thông đồng với một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam rồi tìm cách xuất sang Mỹ (kể cả lợi dụng cơ chế tạm nhập tái xuất hoặc có thể gia công thêm một vài công đoạn đơn giản, không bảo đảm tiêu chuẩn quy tắc xuất xứ).
Điều này nếu xảy ra sẽ rất nguy hiểm, tạo cơ hội cho Mỹ đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của Việt Nam như đã từng làm thép và nhôm.
Hải quan Mỹ triệu tập nhiều doanh nghiệp gỗ
Mới đây, câu chuyện về nguy cơ hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục được ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đặt ra tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần IV với chủ đề "Từ CPTPP đến EVFTA - Cùng nông dân đi chợ thế giới”.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 80 tỷ USD gỗ dán sang Mỹ, bao gồm gỗ dán gỗ cứng và gỗ dán gỗ mềm. Còn Việt Nam hiện chưa xuất khẩu gỗ dán gỗ mềm. Trong khi đó, thuế xuất khẩu gỗ dán gỗ cứng sang Mỹ lên tới 183% nhưng gỗ dán gỗ mềm thì chỉ 0%.
Vậy nên, Việt Nam cần đề cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng để xuất khẩu mặt hàng này.
 
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.
“Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 50 triệu USD, nhưng đến năm 2018 con số này đã tăng vọt tới 290 triệu USD. Đây là sự bất thường đáng báo động.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thừa nhận: Một số mặt hàng nông sản như gỗ dán đang phải đối mặt với nhiều rủi ro do thương chiến. Nhiều quốc gia như Mỹ và EU hiện nay vẫn chưa có chế tài kiểm soát chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm như gỗ dán.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã làm việc với các Bộ, ban, ngành liên quan để kiểm soát, quản lý kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Thủ tướng Chính phủ hiện đã có chỉ đạo đến từng địa phương cụ thể để siết chặt chế tài kiểm soát trong thời gian tới.


Bộ Công Thương sau đó đã tiến hành thanh tra, rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán trong nước nhưng chưa phát hiện nghi vấn. Một thực trạng đáng nói là có tới 70% trong số hơn 800 doanh nghiệp gỗ dán Việt nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc hoặc Đài Loan. Bản thân các cơ quan hải quan Mỹ hiện đã siết chặt cơ chế kiểm soát, đồng thời triệu tập nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ dán để quán triệt các vấn đề kiểm định nguồn gốc, xuất xứ”, ông Nguyễn Tôn Quyền nêu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các cảnh báo về nguy cơ gỗ dán Trung Quốc đội lốt Việt Nam là có thật. Vậy nên, các Bộ, ban, ngành cần có trách nhiệm giải quyết bài toán này để tránh nguy cơ trừng phạt từ Mỹ cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam cạnh tranh và phát triển.
Là một trong số ít chuyên gia am hiểu về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đã nhắc lại tương quan thương mại Việt Nam – Mỹ.
“Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ còn rất thấp. Nhưng đến năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 47,5 tỷ đô la, tăng 11,43% so với mức 41,6 tỷ của năm 2017. Từ vị trí thứ 6, Việt Nam đã lên thứ 4 trong 16 nước xuất siêu vào Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường khi mua vào lượng ngoại tệ lớn. Đây chính là nguyên nhân Mỹ nhiều lần cảnh báo Việt Nam. 
Theo tôi, nếu Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh những thông lệ thương mại quốc tế, Mỹ không có lý do gì để trừng phạt hàng nông sản Việt Nam. Hiện Mỹ đang coi Việt Nam là một trong những đồng minh trên thị trường thương mại quốc tế, nhưng nước ta vẫn cần đề cao cảnh giác”, ông Trương Đình Tuyển cho biết.
Việt Nam nên ứng xử ra rao trong cuộc đấu trí Donald Trump – Tập Cận Bình?
Liên quan tới câu chuyện quan hệ thương mại Việt – Mỹ, trong một nghiên cứu của mình, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, nhìn từ phía Mỹ, điểm này Việt Nam chưa phải là đối tượng mà Mỹ hướng đến nhưng Mỹ đã cảnh báo Việt Nam một số nội dung.
 
 Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuơng mại.
Thứ nhất, Việt Nam xuất siêu lớn vào Mỹ. Mặc dù tốc đô tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Việt Nam trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu vào Mỹ và Việt Nam vẫn đang nhập siêu dịch vụ từ nền kinh tế hàng đầu này nhưng xuất siêu vẫn lớn và đang có xu hướng tăng cả về giá trị và thứ bậc.
Thứ hai, Mỹ cho rằng, Việt Nam cũng đang tác động đến thị trường ngoại tệ theo cách phi thị trường, đã mua vào lượng ngoại tệ lớn (hơn 2% GDP). Ngoài ra, họ cũng cảnh báo Việt Nam về các biện pháp hạn chế doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Tuyển, từ thái độ của Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Theo đó, thứ nhất, giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. Thứ hai, khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. Đây là một tiềm năng to lớn cần khai thác. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.
Nguyên Phương  (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm