Phòng bệnh hơn chữa bệnh, điều này cũng đúng với tình trạng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay. Trên thực tế, với những cá nhân, tổ chức chủ động phòng dịch thì hiệu quả cả về sức khỏe và kinh tế hơn nhiều.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp dinh dưỡng tại TP.HCM kể, nhà máy của công ty ông có trường hợp F0 khá đặc biệt. Đó là 1 nhân viên bị lây nhiễm khi đi chích vắc xin. Dù đã được quán triệt và tuân thủ nghiêm túc 5K nhưng khi vừa chích xong thì trời mưa, một nhóm 5-7 người cùng trú mưa dưới mái hiên gần đó, thế là nhiễm. May mắn khoanh vùng nhanh, nhà máy lại được tổ chức khoa học nên chỉ truy vết dập dịch mà không phải đóng cửa như nhiều đơn vị khác.
“Sau ca F0 đó, chúng tôi càng quán triệt chủ động phòng dịch. Chứ chẳng may để lây lan, đóng cửa nhà máy thì thiệt hại vô cùng lớn không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân vì ngành hàng của chúng tôi là thiết yếu”, vị này nói.
Doanh nghiệp này đã và đang triển khai một loạt chương trình giảm giá 50% sản phẩm sữa và các loại thức uống dinh dưỡng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí miễn phí ship hàng để hỗ trợ người dân khó khăn vì dịch bệnh.
Trước đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nghiên cứu và đề xuất “công thức 7K + 3T” (7K là Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh”, và 3T là: “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc”) gởi đến Chính phủ thay cho khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước”. Bởi theo ông Hải, giãn cách kéo dài đã làm tê liệt hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, tổn thất là rất lớn. Công thức “7K+3T” theo ông Hải không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid -19.
Không chỉ doanh nghiệp, rất nhiều cá nhân cũng “kinh nghiệm xương máu” với dịch bệnh. Chị B.Đ (Q.7, TP.HCM) là điển hình. Nhà chị Đ. có 5 người thì 3 người F0 tự điều trị tại nhà. Cũng may biểu hiện nhẹ, trị kịp thời và đã tiêm vắc xin nên cả 3 đều nhanh chóng vượt qua. Thế nhưng trong bối cảnh thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng thì khoản tiền phải bỏ ra để chữa bệnh cho 3 người trở thành gánh nặng. “Thế nên với 2 người may mắn không bị nhiễm bệnh, chúng tôi chủ động phòng rất kỹ. Cũng phải thừa nhận là lúc chưa nhiễm có khi còn thấy cái này, cái kia không cần thiết, còn tiếc tiền nhưng nhiễm rồi mới thấy, chi phí trị bệnh còn lớn hơn rất nhiều. Có người còn tốn hàng trăm triệu đồng vì để bệnh trở nặng, có người còn trả giá bằng cả tính mạng. Thế nên tốt nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chị Đ. chia sẻ.
Với quan điểm “sống chung với dịch bệnh” hiện nay, thì việc phòng dịch lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Phòng dịch ở thời điểm này có một lợi thế lớn hơn giai đoạn trước là Chính phủ đang đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người dân. Thế nên phần quan trọng còn lại chính là ý thức tự giác và sự chủ động của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch. Vẫn biết chi phí cho chuyện phòng dịch không nhỏ, nhưng với nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng lây nhiễm rộng, phải đóng cửa, thậm chí phải trả giá bằng sức khỏe, sinh mạng thì hiểu rất rõ tổn thất của việc này.
Chính phủ và chính quyền nhiều tỉnh, thành đang xây dựng kế hoạch mở cửa lại kinh tế, đó là điều tất yếu bởi không thể giãn cách kéo dài mãi được. Đó cũng là điều mà người dân, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu tiểu thương đang mong mỏi từng ngày. Nhưng “mở cửa” được hay không, như nói trên, phụ thuộc vào chính mỗi chúng ta trong ý thức, thái độ phòng chống dịch.
Theo NGUYÊN KHANH (TNO)