Giáo dục

Tin tức

Để học tập trở thành nhu cầu thiết yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hẳn nhiều người còn nhớ thí sinh cao tuổi nhất cả nước tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2022 và đã đỗ tốt nghiệp. Đó là ông Nguyễn Huy Kỳ, 82 tuổi, ở Hà Nội. Gia Lai cũng không thiếu những tấm gương hiếu học dù tuổi đã cao. Điều này chứng tỏ học tập suốt đời trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều người, như cơm ăn, áo mặc. 
Học tập suốt đời là xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Để sống và làm việc trong thời đại ngày nay, kiến thức học trong nhà trường chưa bao giờ đủ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã xác định chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập với mục tiêu: “Đẩy mạnh phong trào học tập trong Nhân dân bằng nhiều hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”. Nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng xã hội học tập là giúp mọi tầng lớp nhân dân bất kể độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội đều xem học tập là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; đồng thời, tạo điều kiện cho mọi người có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách... theo nguyên tắc tự học là chính. 
Về phần mình, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX), trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và nhiều trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, kỹ năng sống được mở ra. Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá mới đây của tỉnh Gia Lai, những hình thức giáo dục nói trên từng phát huy rất tốt thì nay lại đang có một số tồn tại. 
Toàn tỉnh hiện có 12 trung tâm GDNN-GDTX và 1 Trung tâm GDTX tỉnh. 4 năm trở lại đây, một số địa phương có tình trạng giải thể các trung tâm GDTX do khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực. Từ 14 trung tâm GDNN-GDTX năm 2018, đến nay, toàn tỉnh còn 12 trung tâm, trong đó có 2 trung tâm đang trong quá trình thực hiện các bước giải thể (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện) và 1 trung tâm đang xây dựng lộ trình giải thể vào năm 2024 (Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đak Pơ). 
Thí sinh 82 tuổi Nguyễn Huy Kỳ vui vẻ, tự tin trong những ngày thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ảnh: Báo Thanh Niên
Thực trạng hoạt động của 220 TTHTCĐ/220 xã, phường, thị trấn sau thời gian sôi nổi thì nay lại im ắng đáng ngại. Ban giám đốc chậm được kiện toàn, báo cáo viên không ổn định; chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động còn thiếu, biệt phái giáo viên sang hoạt động tại TTHTCĐ chỉ thực hiện được ở một số đơn vị cấp huyện... là những lý do khiến một số trung tâm hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ. 
Điểm sáng đáng chú ý trong xây dựng xã hội học tập là 40 trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh có sự kiện toàn về nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất, phát huy và hoạt động hiệu quả. 8 tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống bước đầu hoạt động có kết quả nhất định, đang đi vào nền nếp. Ngoài ra,13 tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cũng được kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên.
Trên cơ sở đó, ngày 31-12-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3103/KH-UBND về củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên giai đoạn 2022-2030. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022-2025 là 100% trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh được củng cố, tăng cường về đội ngũ cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất; 100% TTHTCĐ được trang bị các cơ sở vật chất cần thiết và hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động; phấn đấu có 80% trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin. Phấn đấu 12/17 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm ngoại ngữ được thành lập; các trung tâm tư vấn du học, kỹ năng sống phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động đúng quy định của pháp luật. 
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2026-2030 là phấn đấu có 15% cán bộ quản lý, giáo viên trung tâm GDTX, GDNN-GDTX đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; 100% trung tâm có đủ điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Phấn đấu 100% TTHTCĐ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục. Phát triển mạng lưới các trung tâm ngoại ngữ tại tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố; các trung tâm tư vấn du học, kỹ năng sống hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn.
Khuyến khích học tập suốt đời và phát triển xã hội học tập là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. UNESCO đang mở rộng Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Việc xây dựng Thành phố học tập dựa trên quyết tâm và cam kết chính trị của Nhà nước, của chính quyền; có sự liên kết, phối hợp giữa các ngành và các bộ phận liên quan. Mặt khác, cần nắm chắc nhu cầu học tập của người dân; cơ hội học tập phải đa dạng; tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học đều là những “cộng đồng học tập, đơn vị học tập”… 
Hơn 1.000 thành phố trên thế giới đang phấn đấu trở thành Thành phố học tập toàn cầu. Tính đến tháng 9-2022, Việt Nam có 5 thành phố đã được UNESCO vinh danh gồm: TP. Hồ Chí Minh; Hải Dương (tỉnh Hải Dương); Vinh (tỉnh Nghệ An); Cao Lãnh, Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Đó là quả ngọt sau những nỗ lực đặc biệt trong tiến trình biến ước mơ học tập suốt đời của mọi người dân trở thành hiện thực. Vậy, còn ở Gia Lai?
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm