Xã hội

Lao động - Việc làm

Đề nghị xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương. Do đó, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.

Sáng 26/5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”. Dự diễn đàn có Thủ tướng Phạm Minh Chính; các bộ trưởng, trưởng ngành và đông đảo công nhân, người lao động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Hải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Hải.

Nhiều lao động “nhảy việc” do lương thấp

Tham luận tại diễn đàn, bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.

Theo bà Lan, người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. “Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi mà lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ “nhảy việc” cao”, bà Lan nêu.

Phân tích hệ quả, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, một doanh nghiệp có 1.000 công nhân, nhưng nếu mỗi tháng có đến 100 công nhân liên tục ra, vào thì doanh nghiệp sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, đào tạo nhân viên…Trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.

Theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, tiền lương là yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động. Ảnh: NB

Theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, tiền lương là yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động. Ảnh: NB

Để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới, bà Lan đề nghị xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Theo bà, mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai.

“Tổ chức Công đoàn mong muốn Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia trong thời gian tới nghiên cứu và xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất”, bà Lan kiến nghị.

Nhiều nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực

Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, thị trường lao động vẫn còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn giỏi, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thuê lao động nước ngoài.

“Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay. Các nguồn đầu tư FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, đất nước sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động”, ông Khánh nói.

Bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Viettel.

Bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Viettel.

Nêu thực tiễn, bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Chính phủ quyết định ban hành một nghị định riêng về tiền lương cho Viettel.

Nhờ có chính sách đặc thù, Viettel đã xây dựng hệ thống ngạch, bậc rõ ràng, có cơ chế trả lương thưởng tương xứng với năng lực, trách nhiệm và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ nhân viên. “Đây cũng đã trở thành tiền đề quan trọng giúp Viettel có được những thành tựu như ngày hôm nay”, bà Mai nói.

Dẫn ví dụ, ngành bán lẻ vốn gặp rất nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên, theo bà Mai nhờ áp dụng cơ chế khoán nên hoạt động hiệu quả, doanh thu trung bình trên một siêu thị tăng bình quân 10-20%/năm và thu nhập bình quân của người lao động cũng được tăng lên tương ứng.

Có thể bạn quan tâm