Kinh tế

Nông nghiệp

Để nông sản không cần "giải cứu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 tuần qua, thông tin về gần 700 ha khoai lang tím Nhật Bản (sản lượng khoảng 14.000 tấn) ở huyện Phú Thiện đến kỳ thu hoạch nhưng tắc tị về đầu ra xuất hiện trên khá nhiều tờ báo và các trang mạng xã hội. Đi kèm với đó là sự xót xa, cay đắng của những người nông dân đã dốc cả vốn liếng, mồ hôi công sức vào ruộng khoai để rồi bất lực nhìn thành quả lao động của mình có nguy cơ đổ xuống sông xuống biển.
Ngay sau khi những thông tin trên được lan truyền, một “chiến dịch giải cứu” khoai lang Phú Thiện đã hình thành từ nhiều phía. Trả lời báo chí, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tìm hướng xử lý vấn đề này để ổn định sản xuất, đời sống của người dân. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có kế hoạch phối hợp với các sở, ngành xuống Phú Thiện tìm hiểu thực tế, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ khoai lang cho người dân.
Khoai lang đang rớt giá thảm hại.
Khoai lang đang rớt giá thảm hại. (ảnh internet)
Tham gia đồng thời với các sở, ngành của tỉnh trong “chiến dịch giải cứu” này có nhiều doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện trên cả nước. Cách đây vài ngày, ông Bùi Trọng Thành-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-thông tin rằng đã có nhiều doanh nghiệp trong nước mua khoai lang giúp người dân nhưng với số lượng ít. Chỉ riêng Siêu thị Big C Đà Nẵng qua điện thoại cho biết dự kiến sẽ mua với số lượng lớn để bán.
Hiện chưa rõ Siêu thị Big C Đà Nẵng có mua khoai lang của nông dân Phú Thiện như đã nói và mua với số lượng bao nhiêu nhưng những tấn khoai lang đầu tiên của địa phương này đã được tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin từ các báo, ông Nguyễn Tuấn Khởi-Giám đốc Ngân hàng Thực phẩm (Food Bank Việt Nam) đã khởi xướng chương trình “Khoai lang nghĩa tình” để giúp nông dân huyện Phú Thiện giải quyết số lượng khoai đang ùn ứ. Sáng 4-3, chuyến xe chở khoai lang đầu tiên trong chương trình đã về đến TP. Hồ Chí Minh và được phân phối cho 5 điểm bán; tổng lượng tiêu thụ ước đạt 60-70 tấn. Theo ông Khởi, khoai lang Phú Thiện chất lượng tốt, giá rẻ, chỉ 12.000 đồng/kg nên được người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh hưởng ứng. “Dự kiến, chương trình sẽ tiêu thụ khoảng vài trăm tấn khoai lang cho nông dân. Có nhiều đầu mối từ Hà Nội, Đà Nẵng cũng đã liên hệ và mua với số lượng lớn khoai lang Gia Lai từ chương trình”-ông Khởi nói.
“Chiến dịch giải cứu” khoai lang Phú Thiện thành công đến đâu còn phải đợi thời gian trả lời. Nhưng rõ ràng, sự chung tay hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp đã giúp những nông dân trồng khoai ở địa phương này không còn cảm thấy bị bỏ rơi trong lúc khó khăn, không cô đơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi tấn khoai được tiêu thụ với người nông dân lúc này đều rất có ý nghĩa. Nó giúp họ không chỉ có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống mà còn có cả niềm tin để vững bước trong chặng đường phía trước.
Tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của chính quyền, ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trước khó khăn của người nông dân là điều rất đáng trân trọng. Song việc cứ để lặp đi lặp lại mãi các cuộc “giải cứu” nông sản như những năm qua rõ ràng đang đặt ra nhiều câu hỏi cần trả lời. Vậy làm sao để nông sản của người dân làm ra không phải “giải cứu”?
Người phải trả lời câu hỏi này đầu tiên chính là những nông dân vì nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ. Có một thực tế lâu nay mà ai cũng thấy, đó là việc nhiều nông dân thường sản xuất theo phong trào, kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Chỉ cần thấy người khác trồng cây gì hiệu quả là nhiều nông dân sau đó ồ ạt làm theo, không cần quan tâm đến nhu cầu thị trường, đầu ra cho sản phẩm, bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng. Hệ quả tất yếu của lối làm ăn tùy hứng này là những cuộc khủng hoảng thừa, giá nông sản lao dốc, thậm chí không bán được, buộc phải “giải cứu” hoặc bỏ mặc cho hư hỏng.
Nhưng để nông sản làm ra phải “giải cứu” thì không chỉ có lỗi của nông dân mà có cả phần trách nhiệm của chính quyền, ngành chức năng. Trách nhiệm ở đây là phải làm tốt công tác dự báo thị trường để quy hoạch diện tích từng loại cây trồng cho phù hợp; giúp nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; xây dựng được thương hiệu riêng cho nông sản… Đây chính là những giải pháp căn cơ lâu dài để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, để những cuộc “giải cứu” nông sản không còn lặp lại.
 VĨNH PHÚC

Có thể bạn quan tâm