Kinh tế

Giá cả thị trường

Để nông sản tiếp cận thị trường tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo các chuyên gia, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng mới chỉ là yếu tố cần. Vấn đề tiếp cận thị trường như thế nào để bán được hàng và tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản đang là nhiệm vụ được các chủ thể sản phẩm và ngành chuyên môn quan tâm.

Tại lớp tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường và tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản vừa được tổ chức tại TP. Pleiku, ThS. Nguyễn Thanh Phong (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đưa ra cảnh báo: “Mặc dù cà phê, mắc ca, hạt tiêu… là đặc sản của địa phương, nhưng không chỉ riêng Gia Lai mới có, mà rất nhiều địa phương khác đã phát triển sản phẩm này và cùng bán trên thị trường. Vì vậy, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất làm ra sản phẩm chưa đạt đến mức độ có sức cạnh tranh trên thị trường thì việc tìm kiếm đầu ra sẽ rất khó khăn”.

Đây là điều mà cả người sản xuất và nhà quản lý cần phải lưu tâm, suy nghĩ. Bởi lẽ, trong số 42 sản phẩm được chứng nhận đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019 vẫn chưa có nhiều cái tên “chen chân” vào được các hệ thống siêu thị lớn trong nước.

 Gian hàng của tỉnh tham gia trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vũ Thảo
Gian hàng của tỉnh Gia Lai tham gia trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Vũ Thảo


Chia sẻ băn khoăn này, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã rất chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm thế nào để sản phẩm được thị trường chấp nhận là cả một vấn đề”.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của các chủ thể sản phẩm nông nghiệp đặc sản, hiện nay, họ vẫn đang tự mày mò là chính và thiếu kỹ năng về tiếp cận thị trường. Ông Trương Thanh Hoài-đại diện Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê-cho hay: “Hiện nay, nông dân vẫn tự bơi là chính. Nếu trước đây, Nhà nước hỗ trợ nông dân “cần câu” thì bây giờ nông dân cần nơi để “bán cá”! Bởi trên thực tế, nhiều sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn chất lượng nhưng không biết tiêu thụ ở đâu hoặc chỉ tiêu thụ qua kênh phân phối nhỏ lẻ, dẫn đến hàng hóa tồn kho, dòng tiền không được quay vòng nhanh, khiến sản xuất kinh doanh bị đình trệ”.

Theo ông Hoài, để sản phẩm được vươn xa, mở rộng thị trường tiêu thụ, công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng. Do đó, cần có bộ phận tư vấn để doanh nghiệp, hợp tác xã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Chính quyền cũng phải định hướng người dân không nên sản xuất ồ ạt, tránh việc thừa nguồn cung dẫn đến giá cả bấp bênh.

Ông Đào Duy Hiệp-Giám đốc Hợp tác xã Hạc giấy từ thiện Chư Pưh-chia sẻ: “Hiện hợp tác xã có các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như: tinh dầu sả, tinh bột nghệ, mủ trôm, đậu đen xanh lòng… đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Được tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại ngoài tỉnh, đơn vị đã tìm kiếm thêm được các đối tác tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển hiện tại, chúng tôi chỉ có thể cung ứng hàng cho các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, chứ chưa đủ năng lực về vốn để mở rộng sản xuất, tăng sản lượng đáp ứng nguồn cung hàng cho hệ thống các siêu thị lớn”.

Gợi mở vấn đề này, ThS. Nguyễn Thanh Phong cho rằng, các nhà sản xuất cần bắt đầu từ việc nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu và làm mọi cách thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng, nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh. “Vì vậy, hãy bán cái thị trường cần chứ đừng bán cái mình có. Trước hết, người sản xuất phải tự tìm hướng đi, phải nghiên cứu thị trường, xu hướng tiêu dùng để biết họ cần gì, rồi phân loại thị trường để có hướng đi riêng. Người sản xuất phải hiểu rằng tại sao người tiêu dùng lại lựa chọn sản phẩm của mình, giá cả sản phẩm có tương đồng với giá trị của nó hay không để có những chiến thuật riêng về nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, trang bị các kỹ năng marketing, kỹ năng bán hàng mới mong ổn định được đầu ra lâu dài”-ThS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Công thương, việc đưa sản phẩm vào thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại là con đường ngắn và hiệu quả nhất. Thời gian qua, các chương trình xúc tiến thương mại được đẩy mạnh qua các hội nghị kết nối cung-cầu, triển lãm, hội chợ… đã góp phần đưa sản phẩm nông sản của tỉnh phát triển trên thị trường. Việc “đem chuông đi đánh xứ người” đã có bước thành công ban đầu, nhưng sắp tới phải đưa sản phẩm vươn rộng ra thị trường nội tỉnh thông qua các siêu thị, chợ, gian trưng bày và bán sản phẩm tại sân bay, các điểm bán lẻ, khu du lịch… để kết nối được với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Sở Công thương đang phối hợp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện các vấn đề hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là lộ trình dài hơi, cần có thời gian thực hiện. Trong việc tìm kiếm thị trường, Sở Công thương cũng đã chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Do đó, trong 5 năm tới, thương mại điện tử sẽ quyết định mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng.

“Chúng tôi cam kết với doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để kết nối các sản phẩm đi vào thị trường. Tuy nhiên, việc kết nối có bền vững hay không còn phụ thuộc nhiều vào nhà sản xuất”-ông Phạm Văn Binh khẳng định.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm