Du lịch

Để tiềm năng du lịch không còn bỏ ngỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, du lịch Gia Lai có sự đổi mới và khởi sắc về nhiều mặt. Trong đó, việc chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phương thức quảng bá, tăng cường tổ chức các sự kiện… là những yếu tố góp phần giúp du lịch Gia Lai phát triển.

Mới đây, trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã có sự trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động, từ đó đề ra giải pháp đưa hình ảnh vùng đất và con người Gia Lai đến gần với người dân và du khách. Hầu hết doanh nghiệp đều mong có chính sách riêng đặc thù dành cho ngành du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh loại hình dịch vụ này; đồng thời cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ chính sách, hướng dẫn về vấn đề pháp lý, thủ tục.

Theo ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Những kế hoạch, cơ chế hoạt động, các chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước ban hành đối với ngành du lịch cần có sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, càng chi tiết càng tốt. Việc xây dựng những khu/điểm du lịch, homestay, farmstay… được ưu tiên lựa chọn trên địa bàn tỉnh hiện nay cần có những chính sách, hướng dẫn trong việc chuyển đổi sang hoạt động du lịch phục vụ du khách một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với những khu/điểm du lịch đã được đầu tư quy mô, hoạt động lâu dài trong thời gian qua như: Công viên Đồng Xanh, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân… Bởi lẽ, những đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, đổi mới để phù hợp với thị hiếu của du khách.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang). Ảnh: Hoàng Ngọc

Đối với việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Thành nhận định: Cần nhanh chóng tiếp cận công nghệ số đưa vào quảng bá một cách trực quan, sinh động. Việc khảo sát để tìm ra và lựa chọn những sản phẩm du lịch, tuyến/điểm mới, phù hợp nên có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng tiến hành sẽ thật sự mang lại hiệu quả cao hơn trong việc xây dựng và hoàn thiện các loại hình du lịch phù hợp, có khả năng cạnh tranh với các tỉnh bạn.

Còn ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thì cho hay: “Thời gian qua, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Khu Bảo tồn ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã gửi các ý tưởng, đề án hỗ trợ Khu Bảo tồn trong việc quy hoạch, đầu tư đẩy mạnh phát triển du lịch phục vụ du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển Khu Bảo tồn trình cơ quan thẩm quyền xem xét, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để du lịch Kon Chư Răng không còn là tiềm năng”.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch khung các hoạt động trong năm 2023 để doanh nghiệp chủ động tham gia. Cụ thể, tổ chức hội thi nghiệp vụ và cập nhật kiến thức hướng dẫn viên, hoàn thiện sổ tay du lịch. Tham gia các sự kiện trong nước và quốc tế quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh và tiếp cận với du khách, nhà đầu tư, các hãng lữ hành lớn để liên kết phát triển. Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ một số địa phương xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng. Phối hợp với một số địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nhằm thu hút khách đến tham quan. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Triển khai xây dựng sản phẩm du lịch liên kết 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm