Indonesia thí điểm tuần làm việc 4 ngày. Ảnh minh họa của VOV |
Trong quá trình thử nghiệm, nhân viên của Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia có thể nộp đơn xin làm việc 4 ngày một tuần và 1 tháng được xin tối đa 2 lần. Để đủ điều kiện, nhân viên phải làm việc tối thiểu 40 giờ trong 4 ngày, với kết quả và hiệu suất có thể đo lường với sự chấp thuận của quản lý.
Kế hoạch thử nghiệm nhằm xác nhận liệu tuần làm việc 4 ngày có giúp tăng năng suất lao động, cải thiện sức khỏe tâm thần hay không. Những người quản lý được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không làm việc quá sức.
Tuần làm việc 4 ngày đã được Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir đề xuất vào tháng 3 nhằm cải thiện sức khỏe tâm thần của nhân viên. Theo ông, 70% thế hệ trẻ của đất nước gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến năng suất lao động. Nhân viên nghỉ ba ngày trong một tuần không có nghĩa là họ có thể lười biếng và tuần bốn ngày làm việc là một giải pháp thay thế họ có thể lựa chọn hai lần một tháng.
Hiện chưa rõ liệu thử nghiệm có mở rộng sang các Bộ khác của Indonesia hay không. Nhiều doanh nghiệp nhà nước có thể cân nhắc phương án này.
Trên thế giới, Anh, Pháp, Iceland , Tây Ban Nha, Úc, Dominica là những nước đi đầu áp dụng tuần làm việc 4 ngày, nhất là sau đại dịch Covid-19. Nhiều công ty trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… cũng áp dụng chính sách giảm giờ làm, tuần làm việc 4 ngày. Trong khi một số nước khác không mấy mặn mà chế độ này như Hàn Quốc, Bỉ.
Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng hợp hàng năm trên thế giới có 745.000 người chết do làm việc quá mức. Từ năm 2000, tỉ lệ tử vong do nguyên nhân này đã tăng 29%. 72% các trường hợp thương tâm này là ở nam giới. Nếu làm việc 55 giờ một tuần, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng 35% so với một tuần tiêu chuẩn 40 giờ.