Nội dung trên được Bộ đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đề xuất bổ sung, mở rộng đối tượng được BHYT chi trả. Dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Bộ Y tế đánh giá, việc mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT mang lại giá trị kinh tế lớn do phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm chi phí điều trị ở giai đoạn muộn.
Theo TTO, năm 2023, chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng. Riêng với bệnh đái tháo đường type 2, năm 2023, chi phí khám-chữa bệnh lên đến 6.766 tỷ đồng/năm; bệnh tăng huyết áp là 6.015 tỷ đồng/năm.
Bộ Y tế cho rằng nếu sàng lọc tiểu đường type 2 sẽ tiết kiệm được cho Quỹ BHYT trung bình 162,3 tỷ đồng/năm trong 10 năm đầu tiên triển khai. Sàng lọc tăng huyết áp, số tiền tiết kiệm được trung bình 1.216,8 tỷ đồng/năm. Người dân được BHYT chi trả phí khám-chữa bệnh, giảm tỷ lệ chi tiền túi từ 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.