Làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Do đó, sau 2 đợt giảm giá điện, tiền điện, Bộ Công Thương đang tiếp tục xem xét báo cáo Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện đợt 3.
Giảm giá điện, tiền điện đợt 3 có gây áp lực tăng giá điện các năm sau?
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch COVID-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt.
Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của 2 đợt trong năm 2020 khoảng 12.300 tỉ đồng.
"Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp hoạt động logistics", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, ngày 12.5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đề xuất giảm giá điện, tiền điện đợt 3. Ảnh: EVN |
"Chúng tôi đang nghiên cứu các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3"- ông Tuấn nói.
Sẽ luật hóa việc điều hành giá điện
Theo lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực, hiện giá bán điện được tính toán từ các thông số đầu vào của tất cả các khâu: Phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá điện được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan các thông số đầu vào của tất cả các khâu nêu trên và phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá bán điện các năm trước để xác định giá bán điện hiện hành.
Trường hợp nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và có các khoản chi phí khác chưa được tính toán vào giá điện các năm trước dẫn đến làm tăng giá bán điện, thì việc điều chỉnh giá điện chỉ được thực hiện khi mức tăng từ 3% trở lên.
Còn nếu biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện các năm trước đã được xử lý dẫn đến làm giảm giá điện, lúc này EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện ở mức tương ứng.
"Giá bán điện bình quân điều chỉnh phải phù hợp với khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt" - ông Tuấn khẳng định, đồng thời cho biết, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương về tổng kết công tác thực hiện Luật Điện lực năm 2012, đánh giá toàn diện các hoạt động điện lực, trong đó có công tác điều hành giá điện.
Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất Quốc hội triển khai sửa đổi Luật Điện lực theo hướng sẽ luật hóa việc điều hành giá điện.
Nhà nước điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, ban hành các chính sách an sinh xã hội phù hợp và điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cần giảm thêm cho các DN hoạt động logistics "Tôi cho rằng, ngoài đề xuất giảm giá điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN, các đơn vị bán lẻ điện, nên giảm thêm giá bán lẻ điện cho đối tượng là khách hàng có kho chứa hàng hóa, logistics trong quá trình lưu thông. Bởi, đại dịch khiến hoạt động thông quan hàng hóa tại các cảng biển gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp phải lưu container tại cảng, chịu phí lưu kho, lưu bãi khá cao" - ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Hội đồng khoa học, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. |
Theo Cường Ngô (LĐO)