Xã hội

Lao động - Việc làm

Đề xuất mới về tuyển dụng công chức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bãi bỏ quy định “kể từ ngày 1-8-2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định”.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Bộ Nội vụ cho biết Nghị quyết số 26/NQ-TW Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 đã xác định chủ trương "thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực".

Từ đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã bổ sung quy định thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ một số trường hợp theo quy định. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả. Việc này được giao Chính phủ quy định chi tiết.

Tháng 2-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, có hiệu lực thi hành từ tháng 4-2023. Theo đó, từ ngày 1-8-2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Nghị định này cũng bãi bỏ các quy định liên quan đến tổ chức thi vòng 1 (môn kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học) và trình tự, thủ tục tổ chức thi vòng 1, kể từ ngày 1-8-2024 được quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Cuối tháng 11-2023, Bộ Nội vụ đã tổ chức kỳ thi thử nghiệm kỹ thuật kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm đánh giá chất lượng câu hỏi kiểm định được xây dựng; mức độ phù hợp của câu hỏi và đáp án đáp ứng yêu cầu kiểm định theo quy định của Nghị định số 06/2023/NĐ-CP.

Đề xuất bỏ quy định chỉ tuyển công chức với người đạt kiểm định đầu vào

Đề xuất bỏ quy định chỉ tuyển công chức với người đạt kiểm định đầu vào

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn về kinh nghiệm tổ chức, thủ tục thực hiện chủ trương đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào.

Bộ Nội vụ nhận định, quy mô và phạm vi tổ chức thi tương đối lớn nên khối lượng công việc thực hiện là rất lớn, cần có thêm thời gian để triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Việc triển khai các công việc cần thực hiện từng bước, có lộ trình và bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, nếu giữ quy định kể từ 1-8-2024 chỉ thực hiện tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định sẽ khó bảo đảm tính khả thi, ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyền lợi của người dự tuyển.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc này, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép bãi bỏ quy định "Kể từ ngày 1-8-2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định".

Đồng thời, bổ sung quy định cho phép thí sinh dự thi nếu đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn thì không phải dự thi vòng 1.

Để kịp thời giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng công chức, Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng cho phép sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2023-NĐ-CP theo thủ tục rút gọn.

Theo Bộ Nội vụ, việc bỏ quy định nêu trên phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tiếp tục thực hiện đầy đủ thẩm quyền tuyển dụng theo quy định.

Các cơ quan chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng và vẫn tổ chức thi vòng 1 theo quy định hiện hành, không phụ thuộc vào việc thí sinh phải có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức mới được tham dự kỳ tuyển dụng.

Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo đúng chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương và quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thực hiện đúng yêu cầu thống nhất kiểm định theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm