Kinh tế

Giá cả thị trường

Đề xuất tăng giá điện: Người tiêu dùng lo lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông tin Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện bán lẻ điện bình quân ở mức 8,36% vào cuối tháng 3-2019 đang khiến nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng lo lắng.
Hiện nay, Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai phải chi khoảng 1 tỷ đồng tiền điện/tháng cho 3 nhà máy sản xuất đá granite và bazan. Vì thế, thông tin Bộ Công thương sẽ tăng giá điện khiến doanh nghiệp này rất lo ngại. Ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty-cho biết: “Doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn bởi mức đóng bảo hiểm xã hội đã tăng trên 30%, mức lương công nhân cũng tăng cao hơn trước… Nay chi phí điện sản xuất tăng càng khiến doanh nghiệp chồng chất khó khăn”.
 Theo Bộ Công thương, dự kiến giá điện sẽ điều chỉnh từ cuối tháng 3-2019. Ảnh: D.Q
Theo Bộ Công thương, dự kiến giá điện sẽ điều chỉnh từ cuối tháng 3-2019. Ảnh: D.Q
Không chỉ các doanh nghiệp mà người dân, nhất là những nông dân đang trong cơn “bĩ cực” mất giá, mất mùa cũng rất lo lắng trước phương án tăng giá điện của Bộ Công thương. Anh Hoàng Anh Tuấn (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Bình quân mỗi vụ tưới cà phê, gia đình tôi tốn khoảng 4-5 triệu đồng tiền điện cho 1 ha. Năm nay, nguồn nước tưới cho cà phê đã khó khăn mà giá điện lại tăng thêm nên gia đình rất lo lắng”. Cũng theo anh Tuấn, đó mới chỉ là mức chi phí đối với trường hợp gia đình có nguồn điện, nguồn nước đầy đủ. Còn với những gia đình không có điều kiện phải đi thuê tưới nước thì chi phí cao hơn nhiều. Do đó, áp lực chi tiêu đối với nông dân là rất nặng nề, nhất là khi các nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê đang rớt giá thê thảm.
Bên cạnh đó, phương án điều chỉnh tăng giá điện 8,36% cũng khiến người dân lo lắng về nguy cơ giá cả các mặt hàng khác tăng theo. Chị Nguyễn Thị Loan (phường Ia Kring, TP. Pleiku) e ngại: “Giá bán lẻ điện bình quân theo phương án của Bộ Công thương sẽ tăng từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh. Nếu chỉ tăng giá điện như vậy thì cũng không có gì phải nói vì bình quân mỗi tháng gia đình tôi sử dụng khoảng 200 số điện, cùng lắm là phải trả thêm vài chục ngàn đồng. Thế nhưng, điều tôi lo lắng là giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo giá điện. Lúc đó, chi phí phát sinh hàng tháng sẽ tăng đáng kể”. Những lo lắng này không phải không có cơ sở bởi thực tế, sau mỗi đợt tăng giá điện, hàng loạt các mặt hàng, dịch vụ khác cũng tăng giá. Và đương nhiên, đối tượng cuối cùng phải gánh chịu chính là người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp.
Trong khi đó, về phía Công ty Điện lực Gia Lai, ông Văn Đình Hậu-Giám đốc-cho hay: “Đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc thực hiện điều chỉnh giá điện. Hiện tại, Công ty vẫn triển khai bán điện theo giá cũ”.
Liên quan đến đề xuất tăng giá điện của Bộ Công thương, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ: “Về nguyên tắc, chúng tôi phải được thông báo sớm để còn xây dựng phương án kinh doanh. Hiện đã giữa tháng 3 rồi mà thông tin tăng giá điện vẫn mơ hồ khiến chúng tôi lo lắng bởi nhiều đơn hàng đã chốt giá. Việc điều chỉnh giá sản phẩm không dễ thực hiện, nhất là thời buổi cạnh tranh hiện nay. Vì thế, việc thời gian tăng giá điện không được quyết định rõ ràng có thể gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp”.
 DÃ QUỲ

Có thể bạn quan tâm