Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Đêm 13/10, bão số 7 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ gây mưa rất to ở Bắc Bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bão số 7 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và đến khoảng đêm 13/10 bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ.

 Hướng đi của cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Hướng đi của cơn bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)



Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông có gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên là từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 108,5 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Bão số 7 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và đến khoảng đêm 13/10 bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 7 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Từ 7 giờ ngày 14 đến 19 giờ ngày 14/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 19 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Từ 19 giờ ngày 14 đến 19 giờ ngày 15/10, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

[Từ ngày 14-16/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to]

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh.

Từ gần sáng và ngày 14/10, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m.

Các chuyên gia khuyến cáo khi có bão, áp thấp nhiệt đới mà các thuyền viên neo đậu tàu, thuyền không đúng chỗ, không đúng cách thì vẫn bị thiệt hại do tàu, thuyền va đập vào nhau và do sóng đánh lật úp tàu.

Để hạn chế thiệt hại, khi neo đậu tàu, thuyền, các thuyền viên cần chú ý rằng ở những bến bãi không có cầu tàu thì neo đậu tàu, thuyền theo hướng thẳng góc với bờ, giữ cho khoảng cách giữa các tàu thuyền đủ rộng để tránh va đập vào nhau; tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền theo hướng song song với bờ, vì như thế tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp tàu; thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu thuyền cố định; sử dụng các lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu thuyền, mạn tàu thuyền và cả mũi tàu thuyền để hạn chế va đập vào nhau và va đập vào cầu tàu thuyền; không neo đậu tàu thuyền dưới hoặc bên cạnh các cầu giao thông, không lấy trụ cầu để buộc neo.

Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 14 đến ngày 16/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Đêm 12 và sáng 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế từ 200-300mm, có nơi trên 350mm; tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng từ 100-200mm, có nơi trên 250mm; tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ chiều 13/10, mưa giảm dần.

Đến sáng 13/10, lũ trên các sông ở Thừa Thiên-Huế tiếp tục dao động ở mức cao; nước trên sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình), sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và các sông ở Quảng Nam tiếp tục xuống.

Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng kéo dài trong những ngày tới, đặc biệt tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình); các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị); các huyện Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế); các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Chính quyền và người dân cần thận trọng, nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Theo Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm