(GLO)- Sáng nay, tôi ra quán tạp hóa gần nhà mua một thứ mà nhu cầu riêng ngày nào cũng phải mua. Bà chủ quán bảo: “Bữa nay, tăng 1 ngàn nghe chú, gần Tết rồi”. Tôi nhẩm tính, còn hơn 2 tháng nữa mà mọi thứ đã khởi động sớm quá, cận Tết chắc phải cộng thêm 1-2 giá nữa.
Đã thành lệ, dù giá cả chẳng biến động, thị trường ổn định, hàng hóa dồi dào thì năm hết Tết đến, người tiêu dùng vẫn phải chịu cái khoản tăng giá này, nhất là ở các ngành kinh doanh dịch vụ. Khoảng 10 ngày trước Tết, ra tiệm cắt tóc thử xem, giá cả tăng đến 30-50% so với ngày thường. Rửa xe, bảo trì bảo dưỡng, sơn sửa thay thế phụ tùng các loại xe cũng ăn theo không dưới 20%.
Thiên hạ theo thói quen cứ phải làm mới mọi thứ để ăn Tết nên nườm nượp sắp hàng cống nạp nên nhóm dịch vụ tân trang xem chừng kiếm được nhất mỗi cuối năm Âm lịch. Giá cả dịp Tết của các dịch vụ này sẽ trở lại bình thường sau đó. Một ông chủ điểm rửa xe trên đường Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku) nói rằng, khoản cộng thêm ấy được xem như của khách mừng tuổi.
Ảnh minh họa: Internet |
Một quán bún bò có thương hiệu ở trung tâm Phố núi năm nào cũng tăng giá 5 ngàn đồng/tô, nhưng nghiệt là, cái giá ấy chưa bao giờ hạ xuống sau Tết, cứ vậy mà chờ đúng 1 năm lại cộng thêm. Công thức về giá Tết của quán này là cấp số cộng đều đặn với hằng số 5 ngàn đồng.
Một quán bún khác cũng nổi tiếng không kém nằm trong một hẻm trên đường Lê Lợi lại có suy nghĩ và cách làm khác rất đáng ghi nhận. Chúng ta chắc còn nhớ thời điểm thịt heo tăng đột biến, dịch vụ ăn uống có sử dụng thịt heo đồng loạt lên giá, tôi rất ngạc nhiên khi quán bún riêu giò này vẫn không tăng. Tôi thắc mắc thì được cô chủ giải thích rằng quán chủ trương giữ được giá thì mới giữ được khách nên phải tìm cách xoay xở.
Quản lý một quán cà phê tôi quen cũng chia sẻ, do nhu cầu của khách, mấy năm nay không có chuyện đóng cửa dịp Tết như trước đây, tiền lương trả cho nhân viên trong những ngày này là 300% nên chuyện phụ thu là bắt buộc, thường thì quán có “phân bua” được ghi trên menu, nhưng giá tăng vẫn cố gắng để không quá 20% so với ngày thường.
Thực ra, nhiều ngành hàng không có cớ hợp lý để tăng giá, như điện máy, may mặc… chẳng hạn, thậm chí còn có khuynh hướng xả hàng tồn cuối năm, có khi nhân Tết nhất mà đi sắm lại được giá hời.
Nhớ lại trước đây, phố xá cứ qua 29 Tết là im ỉm đóng cửa đến mùng 5, mùng 6; chợ cũng thế. Bây giờ thì khác hẳn. Hoạt động buôn bán hàng hóa thiết yếu và dịch vụ gần như chẳng nghỉ ngày nào, thế là có thỏa thuận bất thành văn về giá ngày Tết: Người tiêu dùng phải trả thêm cho sự “hy sinh” của người bán thôi. Nhưng lạm dụng kiểu tăng giá khi Tết vẫn còn những 2 tháng thì hơi quá!
NGUYỄN NGHI