Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đèn Hoa Kỳ một thuở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những đứa trẻ lớn lên trong thời chiến, cái đèn Hoa Kỳ gần gũi thiêng liêng quá. Nó như báu vật của Aladin giúp tuổi thơ đi qua khốn khó mà thành người! 
Thời chiến tranh, con người buộc phải thích nghi với cuộc sống thiếu thốn, mong manh giữa sự sống và cái chết. Tại vùng nông thôn phần lớn vẫn là nhà tranh vách đất. Bữa tối, hôm có trăng thì ăn cơm sáng trăng trên cái chõng tre đặt giữa sân đất, lúc tối trời phải bằng mọi cách ăn trước lúc trời sập xuống. Đèn còn rất hiếm, mà thắp sáng lại sợ máy bay.
Những ngọn đèn Hoa Kỳ thắp bằng dầu hỏa, chủ yếu dành cho trẻ con học bài. Đèn Hoa Kỳ làm bằng sắt tây, một loại sắt tấm mỏng mạ thiếc, không dày cứng như tôn lợp nhà. Đèn gồm 1 cái phao đựng dầu, phần trên vuốt nhỏ lại, có ren để vặn phần cổ đèn. Thân đèn được dập và hàn bằng thiếc trắng. Cổ đèn có ống xâu bấc đèn, gắn một cái hoa khế để vặn bấc lên cao hoặc hạ thấp, điều chỉnh độ sáng. Xung quanh cổ đèn có những lá sắt hình hoa xương rồng để gắn chụp đèn thủy tinh.
Cái đèn ấy xuất phát từ Hoa Kỳ trước thời nhà sáng chế Edison phát minh ra bóng điện. Khi bóng điện mới ra đời, các vua dầu lửa bị sốc, họ sợ bóng đèn điện tỏa sáng ưu thế không có khói, lại cơ động không ngại gió mưa.
Nỗi lo cạnh tranh của bóng điện đã thúc đẩy người Mỹ chuyển giao đèn Hoa Kỳ sang Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, đến lúc đó vẫn thắp đèn bạch lạp hồng lạp, là thứ đèn dùng nguyên liệu sáp paraffin. Ban đầu, người Mỹ biếu người Trung Quốc mấy chuyến tàu thủy đèn Hoa Kỳ, mỗi cái đèn có 1 phao dầu đầy (đó là thuật “cho đèn, bán dầu”). Thế là chiếc đèn kỳ diệu ấy đã nghiễm nhiên tồn tại trong mỗi gia đình Trung Hoa.
Sau vì thấy sự thuận tiện, sinh nghiện ánh sáng đèn Hoa Kỳ, người Trung Hoa buộc phải nhập khẩu rất nhiều dầu hỏa để thắp. Cái đèn Hoa Kỳ đến với xứ Á Đông như vậy.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Để giữ chụp đèn khỏi rơi vỡ, người ta sáng tạo thêm 2 cái lò xo móc hai bên bóng đèn, là những sợi thép nhỏ mềm cuốn tròn quanh chiếc đũa 2 đầu bẻ thành 2 cái móc. Sau này có các loại đèn chụp thủy tinh lớn bịt đai sắt giữ trên chụp và có quai xách đi được trong mưa to gió lớn, gọi là “đèn bão”. Lại có đèn nén khí rất sáng gọi là đèn “măng sông”. Tuy nhiên, đèn Hoa Kỳ loại nhỏ đế trệt vẫn phổ biến nhất.
Vào Việt Nam, đèn Hoa Kỳ lại trở nên gần gũi thân thương với lứa tuổi học trò trong suốt 2 cuộc chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ. Thời chiến, trẻ con học bài ban đêm toàn bằng đèn Hoa Kỳ.
Nếu học một mình ở trên mặt đất thì cái đèn Hoa Kỳ ấy được đặt vào trong một ống nứa, có khoét một lỗ bên hông ở ngay vị trí cái chụp đèn tỏa sáng. Cái vệt sáng ấy đủ dọi thẳng vào mặt chữ trên trang sách, xung quanh gian nhà vẫn tối thui như không hề có chút ánh sáng lửa đèn.
Nếu học chung bầy bạn thì cùng nhau chui xuống cái hầm Triều Tiên đắp ngay trong nhà. Căn hầm được tỏa sáng bởi chiếc đèn Hoa Kỳ lấy ra khỏi ống nứa. Trong không gian chật chội ấy, chỉ một lúc khói đã dày lên phủ một lớp màn đục nhờ nhờ. Cuối buổi học, mũi đứa trẻ nào cũng đen hỉn vì khói.
Với những đứa trẻ lớn lên trong thời chiến, cái đèn Hoa Kỳ gần gũi thiêng liêng quá. Nó như báu vật của Aladin giúp tuổi thơ đi qua khốn khó mà thành người!
Tục ngữ có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”, chắc là nói về ngọn đèn Hoa Kỳ một thuở. Bây giờ chỉ còn đôi nhà hoài cổ vẫn thắp bàn thờ mỗi khi có lễ bái bằng cái đèn Hoa Kỳ xửa xưa ấy. Nhiều nhà hiện đại khang trang sợ muội khói ám vào các đồ vật thì cắm luôn bóng điện quả ớt cho tiện. 
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm