Thời sự - Bình luận

Đền ơn đáp nghĩa là lương tâm và trách nhiệm của cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ngày này, khắp nơi trên cả nước đều diễn ra các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Hàng ngàn nghĩa trang trên khắp mọi miền đất nước lung linh trong ánh sáng của muôn vạn ngọn nến đêm tri ân cùng hương hoa trên mộ phần liệt sĩ, ghi nhận tấm lòng thành kính, tri ân của thế hệ hôm nay đối với lớp lớp cha anh đã dâng hiến máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, gìn giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tháng 6-1947, giữa bao khó khăn của những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 là Ngày “Thương binh toàn quốc” để “đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, tỏ ý yêu mến thương binh”. Sau này, Ngày “Thương binh toàn quốc” đổi tên là Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Lịch sử sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã ghi tạc công lao của biết bao tấm gương anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, những người đã không tiếc tuổi xuân, hiến dâng máu xương đời mình vì hạnh phúc của Nhân dân. Vì thế, tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì nước, vì dân là thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là tình cảm cao đẹp của người Việt Nam.

Thực hiện tâm nguyện của Bác, 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Các chủ trương, chính sách, pháp lệnh ưu đãi đã phát huy cao độ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; đối tượng hưởng ưu đãi không ngừng được mở rộng; các chế độ cũng từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho thân nhân liệt sĩ, con của thương binh, bệnh binh được tiếp cận các chính sách ưu tiên về học tập, việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ngay trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Hiện cả nước có hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh...; có 65 cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng. Hàng ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, đảm bảo mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Đền ơn đáp nghĩa đang trở thành lương tâm và trách nhiệm của cả cộng đồng khi các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay cùng Nhà nước tổ chức thành phong trào sâu rộng với nhiều cách làm khác nhau, nhưng đều chung mục đích là góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát cho người ở lại. Hàng trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao tặng, giúp các thương binh, gia đình liệt sĩ vơi đi phần nào nhọc nhằn trong cuộc sống. Những mô hình nhận đỡ đầu con liệt sĩ; làm con nuôi bố mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn… ngày càng được nhân rộng, trở thành nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay tri ân những hy sinh, mất mát lớn lao của người đi trước.

Từ Bắc chí Nam, hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm được xây dựng, hàng năm luôn rộng cửa đón những người con hy sinh trên khắp mọi miền đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Lào, Campuchia trở về đất mẹ. Công tác quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ chưa bao giờ ngừng nghỉ. Bởi, ai cũng hiểu rằng, mỗi một phần mộ liệt sĩ được ghi tên là thêm một thân nhân, một gia đình được xoa dịu nỗi đau mất mát người thân.

Tại hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên-Huế mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác đền ơn đáp nghĩa, đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng… kiên quyết không để người có công với cách mạng nào không nhận được sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước.

Tháng 7-tháng tri ân, tháng của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Với trách nhiệm lớn lao, nghĩa tình sâu nặng, thế hệ hôm nay nguyện xoa dịu nỗi đau, thấm khô dòng nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ thương của thân nhân liệt sĩ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; để “Đền ơn đáp nghĩa” luôn là truyền thống, là đạo lý, là nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm