Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Đến với tình ca và nhạc trị liệu…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

* Nhạc sĩ có thể chia sẻ một chút riêng tư về đời mình và thời kỳ sôi nổi của anh trong làn sóng phản chiến tại Sài Gòn trước năm 1975?
 

 Nhạc sĩ, họa sĩ Miên Đức Thắng. Ảnh: K.N.B
Nhạc sĩ, họa sĩ Miên Đức Thắng. Ảnh: K.N.B

- Vâng, tôi có tên thật là Phan Văn Thắng, sinh năm 1944 tại Huế, học trung học ở Huế. Lúc bấy giờ tôi đã tham gia sôi nổi vào phong trào sinh viên học sinh Huế. Khi vào Sài Gòn tôi học tại Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên). Sau đó tôi làm giảng viên tại Trường Đại học Vạn Hạnh. Tôi sáng tác nhạc từ thuở nhỏ, tác phẩm đầu tiên là ca khúc “Ngày xuân dưới mái học đường” viết năm 1960 tại Huế. Khi vào Sài Gòn tôi tham gia tích cực vào các chương trình văn nghệ của phong trào sinh viên học sinh. Ngày ấy tôi được sinh viên, học sinh xem như một nhạc sĩ có giọng ca hay nhất và luôn xuất hiện trên sân khấu ca nhạc do đội văn nghệ sinh viên tổ chức. Năm 1969 tôi đang giảng dạy tại Đại học Vạn Hạnh thì bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và kết án khổ sai 5 năm vì tội viết những bài hát chống chiến tranh. Lúc bấy giờ các tờ báo lớn đều đưa tin tôi bị kết án. Lực lượng sinh viên, học sinh biểu tình, phản đối, các trường đại học ở miền Nam và hội văn bút thế giới gây áp lực đòi chính quyền trả tự do cho tôi. Do đó bản án dừng lại. Năm 1970 chính quyền Sài Gòn trả tự do cho tôi. Tôi về giảng dạy lại tại Trường Đại học Vạn Hạnh.

Năm 1972 tôi đang dạy học thì chính quyền Sài Gòn bắt tôi đi lính mặc dù theo quy định thì tôi được hoãn dịch. Cuối năm 1972, số quân nhân có án chính trị đều bị sa thải ra khỏi quân đội, tôi được về lại Sài Gòn dạy học đến ngày giải phóng. Sau này tôi và gia đình sang Đức sống với con. Con tôi có 2 đứa là tiến sĩ y khoa tại Đức và một kiến trúc sư ở Việt Nam. Tôi nhớ quê hương, nhớ Huế, nhớ Sài Gòn với biết bao kỷ niệm sâu sắc. Hiện nay tôi đã về Sài Gòn sinh sống và tiếp tục hành trình sáng tác âm nhạc của mình.

* Nhạc sĩ cho biết thêm, ngoài sáng tác âm nhạc anh còn có khả năng về loại hình nghệ thuật nào nữa và anh có định hướng nào cho âm nhạc của mình trong tương lai?

- Đến nay tôi đã sáng tác trên 100 ca khúc. Ngày xưa, song hành với nhạc phản chiến tôi vẫn viết tình ca. Hôm nay, tôi đang viết nhạc trị liệu, tức là nhạc chữa bệnh. Tôi đang thể nghiệm về nhạc trị liệu. Đến nay tôi đã sáng tác 100 bức tranh sơn dầu. Vừa qua, tôi đã bán một bức tranh với giá 3.000 USD. Tôi đang chuẩn bị cho một chương trình ca nhạc, triển lãm tranh. Về nhạc tôi đã đưa được 80 ca khúc vào đĩa và phát hành đĩa nhạc… Nói chung, ở tuổi 70 nhưng tôi vẫn muốn hát mãi cho đồng bào tôi nghe về nhạc trị liệu và tình ca.

* Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Chúc anh vui tươi, hạnh phúc và trọn vẹn với hành trình sáng tác nghệ thuật của mình.

Xuân Trường

Có thể bạn quan tâm