Phóng sự - Ký sự

Đi biển mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Mùa xuân trên cánh sóng

Khi gió tháng Chạp từ biển thổi vào cảng cá Đồng Hòa (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), cũng là lúc tiếng máy nổ giòn tan đẩy chiếc tàu của anh Đặng Phương Tài (46 tuổi, ngụ xã Cần Thạnh) rời cảng, xé toang màn đêm tĩnh mịch, con tàu cứ thế cưỡi sóng vượt gió, vượt trùng dương, bắt đầu cho chuyến mưu sinh mùa xuân.

Biển đen kịt, mịt mù, ánh mắt anh Tài xa xăm nhìn lại quãng đời lênh đênh trên đầu sóng ngọn gió của mình. Anh kể, mình sinh ra đã nghe tiếng sóng rì rào của đại dương vỗ vào Cần Giờ. Được nuôi lớn từ tấm lưới nghèo khó của cha mẹ, chàng trai quê biển nhanh chóng nối nghiệp tổ, 15 tuổi đã là ngư phủ vươn khơi bám biển, gá cuộc đời trên cánh sóng đại dương.

Những con tàu neo mình trên bến sau chuyến đi biển.

Tài rành từng con sóng, luồng nước, bãi cá. Nhờ siêng năng, lão luyện trong nghề, Tài được nhiều chủ tàu cá chọn bạn, luôn dành những suất đi biển dài hơi cho anh. Theo bạn đi tàu cá nhiều năm, gần 30 tuổi, cảm thấy cần phải xây dựng cho mình lối đi riêng, anh dành dụm được chút vốn, rồi vay mượn thêm bạn bè, bà con hàng xóm mua chiếc tàu đánh cá nhỏ cùng vài thớt lưới, ngư cụ để quyết chí làm chủ cuộc đời. Kể đến đây, giọng anh Tài bỗng nhiên trong trẻo lạ, mắt anh long lanh nhìn ra biển như nhìn thấy một quá khứ huy hoàng trước ngã rẽ số phận.

“Hơn 30 năm trước, khi tôi còn là cậu bé 15 tuổi, sản vật biển khơi nhiều vô kể, tàu không phải đi xa hàng chục hải lý như bây giờ, mà ở ngay gần bờ đã có thể trĩu nặng tay lưới, dân chài sống khỏe nhờ biển. 10 năm trở lại đây, biển Cần Giờ đã bắt đầu cạn kiệt nguồn hải sản, các tàu lớn phải đi xa dài ngày mới tìm được ngư trường. Còn mình tàu nhỏ cũng phải chạy cả đêm mới tới điểm thả lưới. Cuộc sống khó khăn hơn nhưng chưa bao giờ mình nghĩ đến việc bỏ biển”, anh Tài tâm sự.

Biển đêm cuối năm gió táp vào sóng, sương giăng mịt mờ, cái lạnh buốt thấu. “Sương đêm ở biển mang theo vị mặn của muối, táp vào người khiến da dẻ sạm lại, khô ráp. Dù chịu đựng được cái lạnh nhưng chúng tôi vẫn phải mặc áo ấm thật dày để chống sương ngấm vào da thịt”, anh Tài nói về những cơn gió biển tháng Chạp.

Tròng trành trên con tàu như hạt đậu giữa đại dương, trước những con sóng đang gầm gào cuồn cuộn lao tới, ngư phủ không chỉ phải thật vững tay lái mà còn phải có kỹ thuật chống chèo điêu luyện để khắc chế sóng dữ. Biển cho thì biển cũng lấy đi, biển hào phóng nhưng biển cũng rất khắc nghiệt, dữ dằn. Chiếc tàu và mấy tay lưới là cả một gia sản gắn liền với cuộc sống, nồi cơm manh áo của họ. Chuyện sóng đánh vỡ tàu hay mất trắng lưới cá, rồi tàu chết máy, lưới bị cuốn vào chân vịt là chuyện khó có thể tránh khỏi. Anh Tài kể, trong chuyến ra khơi mùa biển động cuối tháng 11 vừa qua, tàu của anh bị trôi dạt vào vùng biển Đông Hòa (Phú Yên) anh mất trắng thớt lưới dài hơn 40m. Làm nghề cá, khi trúng thì trúng rất đậm, khi mất thì mất trắng, mất cả tàu là coi như mất cả cơ nghiệp, nó cũng như trò đỏ đen với biển.

Thành quả của anh Tài sau chuyến đi biển trở về.

Nhưng, dẫu phong ba bão tố ngoài khơi thì với anh Tài và những cuộc đời ngư phủ khác, ra khơi không chỉ vì nguồn sống mà còn là lý tưởng, tình yêu biển cả cùng khát vọng bám biển muôn đời.
Mỗi chuyến đi biển, nằm trên tàu sau khi thả lưới chờ cá, anh lại đau đáu nhìn vào bờ vì nhớ con. Thiếu một người cha bên cạnh dạy dỗ, kèm cặp, an ủi, không biết cuộc đời con trai mình sau này sẽ ra sao. Tàu cập bờ, sau khi xuống cá, vá lưới, dọn dẹp xong là anh lao đến nhà vợ cũ để chơi với con. Anh Tài bảo, đó là phút giây hạnh phúc nhất.

Khi mặt trời nhô lên ở đằng Đông như một quả cầu lửa, mang theo những tia nắng ban mai xua tan các lớp sương mù đặc quánh, là lúc con tàu ngư phủ thu hoạch sản vật. Đoàn tàu tấp nập trở về bến trong những ngày xuân vươn khơi tìm luồng cá. Không khí lao động nhộn nhịp khẩn trương, mùi tanh nồng của hải sản hòa vào tiếng cười giòn tan của các chị, các bà, cảnh mua bán, trao đổi vui như ngày Tết. Dưới tàu, đôi tay anh Tài liên tục đánh nhịp với các sải lưới bị rối như tơ vò sau chuyến đánh bắt.

Ở tàu bên cạnh, ngư dân Nguyễn Minh Loan (50 tuổi, ngụ xã Cần Thạnh) cũng thoăn thoắt vá lưới, ông nở nụ cười rám nắng sau chuyến đi biển dài ngày trở về.

Ở làng chài Đồng Hòa này, đa số ngư dân đi biển một mình với con tàu nhỏ. Ra khơi một mình phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, giữa muôn trùng sóng dữ, giữa đêm khuya mịt mùng nhưng cũng có những điều rất thú vị không phải ai cũng được trải nghiệm. “Ngày xưa đi biển với bạn thì vui theo kiểu anh em trên bến dưới thuyền. Đi với bạn đỡ cực, đỡ buồn và bớt sự nguy hiểm trên biển nhưng nhiều khi bạn buồn, lỡ quá chén say xỉn là bỏ chuyến, xem như mình cũng chịu đói theo, còn đi một mình thì làm chủ mọi thứ, kể cả niềm vui”, ông Loan cười thật tươi, chỉ vào “ngôi nhà di động” của mình đang neo trước cầu cảng.

Tàu cập bên rừng đước, ông Loan có những ngày nghỉ ngơi sau chuyến biển mùa xuân trở về.

Cứ 3 ngày một chuyến, tàu của ông Loan có tải trọng khoảng 2 tấn mang theo hơn 1.500 sải lưới, chạy khoảng 80 km là đến ngư trường đánh bắt. Sau khi bủa hết lưới rồi thả neo, tắt máy, ông Loan ngồi ngắm những cánh hải âu đi tìm mùa xuân trên biển. “Đi biển mùa xuân vô cùng thú vị. Cảm giác được trải lòng mình ra giữa mênh mông trời biển, nghe tiếng cá tôm quẫy đạp dưới manh lưới, tiếng sóng biển như bản tình ca dìu dặt”, ông Loan miên man nhớ về khoảnh khắc tuyệt vời của mùa xuân trên biển.

Gần 35 năm trước, người ngư phủ này chỉ là một thuyền viên nhút nhát, chưa có kinh nghiệm đi biển. Trong những lần được điều khiển tàu cá hay trực tiếp thả lưới, anh chỉ biết làm theo chỉ dẫn của người đi trước vì họ là những ngư dân lão luyện, giàu kinh nghiệm xác định khu vực đánh bắt. Còn bây giờ, với kinh nghiệm dạn dày, ông Loan đã thuộc lòng từng bãi thả, có khả năng nghe luồng cá tận dưới đáy đại dương.

Biển ngày xuân, từng đợt sóng rì rào vào thân tàu, tung lên trắng xóa. Ngồi trên mạn tàu của ông Loan, chúng tôi choáng váng, xây xẩm mỗi đợt sóng vỗ. Thế mới hiểu, người ngư phủ nhỏ nhắn, khắc khổ mỗi lần mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió phải mạnh mẽ, dũng mãnh đến nhường nào.

Phong vị Tết trên biển

Những con tàu ra khơi mùa xuân không chỉ có phong vị quê hương ngày Tết, mà trên vị trí trang trọng nhất của tàu luôn có một bó hoa cúc vàng, một đĩa bánh trái tươi ngon nhất. Đó là tín ngưỡng thờ “Bà - Cậu” của dân vạn chài Nam Bộ. Anh Tài cho biết, ngày đầu tiên đi biển đã được người chú ruột kể về truyền thuyết “Bà - Cậu”. “Bà” ở đây mang tên Thiên Hậu, vị nữ thần này cai quản sông nước để giúp đỡ người dân khi gặp hoạn nạn, không gây bão lũ để người dân yên ổn làm ăn. Cạnh đó, còn trừ khử những loại người hung ác, gian tà. Còn “Cậu” là nói về 2 người con của bà tên Tài và Quý, luôn ở bên bà để cứu nạn những người không may gặp nạn trên sông biển”. Nhờ câu chuyện ấy mà anh Tài luôn mang trong mình niềm tin tâm linh mỗi chuyến ra khơi. Niềm tin đôi khi vực dậy tinh thần của anh những thời điểm khó khăn tưởng như tan vỡ.

Thêm vào câu chuyện của anh Tài, ngư dân Nguyễn Minh Loan lại kể rằng, “Bà - Cậu” được thờ trên tàu của những người làm nghề liên quan đến sông nước là vị thần linh gần gũi nhất với đời sống ngư dân. Dù hình tượng, quan niệm về “Bà - Cậu” chưa thống nhất nhưng hầu hết những người thờ cúng đều rất tin tưởng và duy trì lệ cúng thường xuyên.

Những lúc rảnh tay lưới, anh Tài vớt ve chai làm sạch biển.

Ngoài tục thờ “Bà - Cậu”, ngư dân Cần Giờ còn tôn thờ cá Ông, là loài cá voi mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải, triều đình sắc phong là Nhân ngư hay Đức ngư. Lễ hội Nghinh Ông là sự kiện văn hóa đặc biệt của người dân TP Hồ Chí Minh, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Đây là dịp ngư dân cùng gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Thần Nam Hải.

Đi biển ngày xuân, ngư dân không thể thiếu tục cúng vị thần này.

“Vào đêm Giao thừa giữa biển, chúng tôi bày một mâm trái cây lên nơi trang trọng nhất của tàu, đứng hướng về phía mặt trời mọc để tỏ lòng thành kính với bậc cha ông đã có công khai mở, giữ gìn vùng trời biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi cầu cho biển hiền hòa, cho những con tàu vươn khơi luôn đầy ắp sản vật”, ông Loan chia sẻ khoảnh khắc ngư dân đón Giao thừa trên biển.
Biển cho cá tôm nuôi lớn bao cuộc đời, trong suy nghĩ của ông Loan, anh Tài, những ngư dân nửa đời người vật lộn với sóng gió khơi xa, luôn cồn lên ý nghĩ phải sống sao cho có hậu với biển, phải có cách ứng xử tử tế với biển.

Để sống và gắn bó bền vững lâu dài với biển, ngư dân ở cảng cá Cần Giờ có một thỏa ước ngầm, một tâm niệm không văn tự với đại dương là không được đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt. Đánh bắt phải chừa mùa sinh sản, không dùng chất nổ mà phá hoại các dải san hô, hủy hoại tầng nước đáy... để cho các loài sinh vật phát triển, đảm bảo chuỗi thức ăn cho tôm cá nhỏ, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các loài khác, vốn là sản vật đặc trưng của biển Cần Giờ như: Cá dứa, cá mú, cá đuối, ghẹ, cua...

Kể đến đây, anh Tài hào hứng nói thêm: “Từ những ngày đầu tiên đi biển, chứng kiến cảnh ngư dân trực tiếp xả rác thải xuống biển là những chiếc túi ni lông, vỏ chai nước, vỏ lon bia đã qua sử dụng hoặc rác thải nhựa trôi dạt từ bờ ra biển, tôi cùng các bạn tàu đã nghĩ ngay đến việc thu gom đưa lên tàu mang vào bờ. Sau này, để phục vụ cho việc nhặt rác, tàu của chúng tôi luôn mang theo cây vợt dài để có thể đứng trên mạn tàu vớt những chai lọ, vỏ lon trôi dạt trên mặt biển. Hiện, có khoảng 200 tàu đánh bắt, khai thác hải sản ở khu vực Cần Giờ đã sắm vợt, sắm bao tận thu các loại rác thải nhựa, vỏ lon trên khắp các vùng biển mà tàu của họ đi qua”.

Vậy là, ngoài đánh cá, ngư dân còn có thêm nghề phụ là vớt ve chai trên biển. Chỉ tay ra trời biển trong xanh, anh Tài thổ lộ: “Biển sạch, nước trong, mỗi lần ra khơi chỉ muốn lao xuống mà vẫy vùng, mà hớp những ngụm nước mặn mòi vào lòng. Yêu biển như yêu ngôi nhà bé nhỏ của mình ở đất liền. Với chúng tôi, tàu là nhà, biển là Tổ quốc, mỗi bước tàu rẽ sóng là một đường biên chủ quyền biển đảo. Cho nên, ngày nào ra khơi cũng vui như Tết, mang theo khát vọng mùa xuân no ấm”.

Theo Ngọc Thiện (CANDO)

Có thể bạn quan tâm