Phóng sự - Ký sự

Đi chợ giúp dân: Những shipper 0 đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các đội tình nguyện shipper 0 đồng, đi chợ giúp dân đã được triển khai tại các phường ở Q.11.

Shipper 0 đồng phát loa thông báo cho người dân đến gửi đơn mua hàng tại một điểm phong tỏa trên địa bàn P.11, Q.11. Ảnh: SONG MAI
Shipper 0 đồng phát loa thông báo cho người dân đến gửi đơn mua hàng tại một điểm phong tỏa trên địa bàn P.11, Q.11. Ảnh: SONG MAI
Trực điện thoại “chốt đơn”
Dù đang phải ở nhà cách ly do khu vực cư trú bị phong tỏa nhưng chị Lâm Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.10 (Q.11), vẫn trực điện thoại để “chốt đơn” cho người dân trên địa bàn phường nhờ đi chợ giúp. Chị Ngọc Minh cho biết những ngày đầu TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, người dân đổ xô ra siêu thị mua hàng hóa về tích trữ, không đảm bảo an toàn giãn cách nên mô hình đi chợ giúp người dân đã được triển khai. Không những người dân trong khu phong tỏa, người già neo đơn mà tất cả người dân trên địa bàn phường cũng có thể nhờ đi chợ giúp.
Chị Ngọc Minh sẽ cung cấp cho người dân các gói mua thực phẩm gồm các loại cơ bản như rau, cá, thịt heo, trứng gà... của siêu thị và chợ Bình Thới (Q.11) và một phiếu kèm theo để ghi những mặt hàng thiết yếu khác cần mua. Sau khi chọn xong, người dân sẽ ghi thông tin liên hệ rồi chụp hình và gửi vào group chat (nhóm trao đổi thông tin). Người lớn tuổi không rành công nghệ sẽ trực tiếp gọi điện thoại để đặt hàng. Đến 16 giờ cùng ngày, chị Ngọc Minh tổng hợp và gửi cho nhóm shipper (giao hàng) tình nguyện của phường đi lấy hàng tại các siêu thị, sáng hôm sau mang giao cho người dân, không lấy tiền công.
Đặc biệt hơn, nhóm tình nguyên viên shipper 0 đồng tại P.8 (Q.11), luôn trực điện thoại 24/24, không kể giờ giấc, theo chị Nguyễn Lâm Trân, Bí thư Đoàn phường. Chỉ cần người dân gọi đến nhờ mua hộ rau, trứng, thuốc men..., các bạn tình nguyện viên sẽ đi mua và giao đến ngay. “Hiện tại nhóm có 10 thành viên, không những đi chợ giúp, nếu người dân trong khu phong tỏa nhờ các việc khác mà trong khả năng nhóm mình làm được thì vẫn sẽ hỗ trợ. Ngoài việc đi chợ giúp người dân, trên địa bàn mình có 4 khu phong tỏa đều được hỗ trợ nhu yếu phẩm và vào 11 giờ 30 mỗi ngày, các bạn tình nguyện viên sẽ đi phát 200 suất cơm cho người dân trong khu phong tỏa”, chị Trân chia sẻ thêm.

Shipper 0 đồng giao hàng tại một điểm phong tỏa trên địa bàn P.11, Q.11. ẢNH: SONG MAI
Shipper 0 đồng giao hàng tại một điểm phong tỏa trên địa bàn P.11, Q.11. ẢNH: SONG MAI
Vừa là shipper, vừa trực chốt
Chị Trần Khánh Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.10 (Q.11), cho biết do lực lượng tại phường còn phải trực chốt phong tỏa, phân phát rau, củ quả của các nhà hảo tâm cho người dân trong khu cách ly nên đội shipper tình nguyện chỉ có 3 thành viên. Trong đó, chị Khánh Minh và anh Phan Minh Nhựt, Bí thư Đoàn P.10, sẽ phụ trách chính. Trường hợp đơn hàng quá nhiều sẽ nhờ thêm một bạn phía Đoàn phường hỗ trợ. Thông thường khoảng 10 giờ sáng, sau khi lấy hàng từ siêu thị rồi kiểm tra lại hàng hóa, chị Khánh Minh sẽ cùng anh Nhựt đi giao cho người dân.
Anh Nhựt cho biết: “Trong những ngày đầu đều trên 10 đơn mỗi ngày. Thời gian sau, do phường vận động nhà hảo tâm cung cấp cho người dân trong khu phong tỏa gạo, rau củ đầy đủ và chợ Bình Thới cũng hoạt động trở lại nên lượng đơn hàng có giảm xuống. Có bữa chỉ có một đơn hàng đặt mua 2 vỉ trứng gà thôi, mình cũng mua rồi mang đi giao”. Đợt dịch này, anh Nhựt ngoài làm shipper tình nguyện còn trực chốt phong tỏa, phân phát thực phẩm cho người dân đang cách ly nên thời gian làm công tác tại phường còn nhiều hơn ở nhà. “Hôm rồi, khu nhà mình ở có ca nhiễm Covid-19 phải ở nhà cách ly 21 ngày. Mình đi làm nhiều, về nhà có con nhỏ nên cũng lo lắm, vừa hết cách ly là đưa vợ và con gửi về nhà mẹ vợ ở H.Bình Chánh ở, rồi chạy ra đây đi làm luôn”, anh Nhựt kể.
Tại các khu phong tỏa trên địa bàn P.11 (Q.11), cứ 8 giờ sáng, các thành viên của nhóm tình nguyện “shipper 0 đồng - đi chợ giúp bạn” sẽ đứng phát loa trước hàng rào tại các điểm phong tỏa của phường, thông báo để người dân ra ghi đơn hàng. Theo anh Nguyễn Đình Thể, Bí thư Đoàn P.11, trên địa bàn phường có 7 điểm phong tỏa. Từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, mỗi ngày các bạn tình nguyện viên sẽ đến phát loa, nhận đơn hàng của người dân. “Sau khi nhận đơn xong, các bạn tình nguyện viên sẽ ra siêu thị để mua hàng, chia ra theo từng đơn ghi rõ giá tiền rồi chở về giao hàng. Ngoài ra, khung giờ từ 18 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau, người dân cần gì thì có thể gọi, nhóm sẽ hỗ trợ”.

Shipper tình nguyện tại P.10, Q.11 kiểm tra hàng hóa trước khi giao cho người dân. ẢNH: MINH NHỰT
Shipper tình nguyện tại P.10, Q.11 kiểm tra hàng hóa trước khi giao cho người dân. ẢNH: MINH NHỰT
Gắng cho qua dịch
Khoảng 10 giờ, bà Lung Muối (56 tuổi) ra hàng rào phong tỏa nhận hàng hóa. Vừa nhận bà vừa cảm kích: “Cảm ơn mấy cháu nha, mua giúp vậy là quý rồi đó”. Bà Muối kể bà sống một mình trong hẻm 168 Lê Thị Bạch Cát (P.11, Q.11). Những ngày bị phong tỏa, bà chỉ nhờ các bạn shipper 0 đồng đi chợ giúp. “Giờ dịch bệnh nguy hiểm, cũng không dám nhờ người quen ra siêu thị xếp hàng để mua đồ cho mình vì lỡ người ta ra đó có chuyện gì thì mình không biết ăn nói làm sao”, bà nói.
Trước dịch, bà Muối đi phụ bán quán cơm gần nhà, mỗi tháng kiếm được 3 triệu đồng nhưng rồi bùng dịch, bà mất việc làm. “Tôi có dư chút đỉnh tiền nên gửi mua 1 ký thịt kho ăn dần rồi. Nghe bên phường nói có gói hỗ trợ Covid-19 cho lao động tự do nên tôi làm hồ sơ nộp xét rồi, hy vọng được nhận hỗ trợ để có tiền xoay xở gắng cho qua dịch”, bà Muối nói.

Người dân trong khu phong tỏa tại P.11, Q.11 ra nhận hàng giao đến. ẢNH: SONG MAI
Người dân trong khu phong tỏa tại P.11, Q.11 ra nhận hàng giao đến. ẢNH: SONG MAI
Khác với bà Muối, từ ngày bị phong tỏa, bà T.T.M.P (49 tuổi, ngụ P.10, Q.11) chỉ sống dựa vào các phần quà hỗ trợ từ phường gửi xuống. Bà P. cho biết do quán hủ tiếu mà bà phụ bán đã đóng cửa vì dịch nên bà thất nghiệp hơn một tháng nay. “Trước đây đi làm một ngày có 150.000 đồng đủ ăn và đóng tiền điện, nước nên tôi cũng không có dư đồng nào. Mấy hôm phong tỏa, tôi cũng chưa gửi đi chợ lần nào, vì giờ cái gì cũng mắc mà mình lại không có tiền. Cách đây mấy ngày tôi còn được phường gửi quà hỗ trợ từ “Chợ nghĩa tình” gồm dầu ăn, gạo, mì gói và bánh ngọt, cũng đỡ lắm”, bà kể.
Tại một khu phong tỏa khác ở P.10, bà L.T.H (49 tuổi) cũng chỉ dám nhờ người thân bên ngoài đi chợ một lần mua một ít nhu yếu phẩm, nhưng vì nhà đông người nên thức ăn cũng nhanh hết. Bà H. kể trước đây bà làm nghề buôn bán nhưng tầm 3 năm nay thì ở nhà trông cháu nhỏ và nhận đồ về gia công. “Ăn uống hà tiện nên tôi cũng tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng để phòng thân. Cho tới khi khu nhà bị phong tỏa, tôi cũng bấm bụng lấy ra xài luôn. Mấy hôm nay phường có ghé xuống gửi quà ở “Chợ nghĩa tình” gồm bánh, sữa, mì gói với lại gạo và rau củ... Bánh, sữa thì tôi đưa cho mấy đứa cháu ăn, còn gạo với rau củ thì để lại nấu ăn dần”, bà H. nói.
Còn bé L.T.Y.N (12 tuổi, cháu ruột bà H.) cho biết từ khi cha đi điều trị Covid-19, N. phải chuyển qua ở cùng với bà H. “Cha em vẫn hay gọi về hỏi thăm nhà và thông báo tình hình sức khỏe vẫn ổn định. Mấy cô chú ở phường xuống gửi cho em nhiều quà lắm, có cả sữa và bánh nữa. Em chỉ mong cha em khỏi bệnh để về và khu nhà em gỡ phong tỏa, để em về quê nội ở Cà Mau”, N. chia sẻ.
Không riêng gì các khu vực triển khai mô hình “Đi chợ giúp dân” tại Q.Phú Nhuận, Q.12 và Q.11 như Thanh Niên phản ánh, mà tại Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp, Q.3, Q.1... đều thực hiện những chương trình tương tự. Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, khó lường, chính quyền địa phương trên địa bàn TP.HCM đã thể hiện sự sâu sát với người dân, quan tâm giúp đỡ thiết thực cho nhiều bà con suốt thời gian bị phong tỏa.
Theo Song Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm