Bạn đọc

Đi chợ thời Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều gia đình. Việc nội trợ của chị em cũng có nhiều thay đổi. Không còn đi chợ một cách tùy hứng mà thay vào đó là có tính toán, lên kế hoạch cụ thể để mua một lần đủ thức ăn cho nhiều ngày. 
Xóm tôi cách chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) chưa đầy 1 km. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mỗi sáng, chị em trong xóm thường rủ nhau đi chợ rất sớm. Thường thì chị em tập trung ở nhà bác Tổ trưởng tổ dân phố 7 rồi cùng nhau đi. Sau khi đi chợ về, họ thường nán lại bên bộ tràng kỷ đặt trong sân nhà bác Tổ trưởng để hàn huyên rồi mới tản dần về nhà mình. Xoay quanh cũng là chuyện con cá, mớ rau hay nuôi dạy con cái. Dần dà thành một thói quen, đôi khi, tôi ra ngóng như đứa trẻ ở miền biên viễn thuở nhỏ chờ mẹ đi chợ về. Bởi cảnh diễn ra trước mắt là ở một góc nhỏ của phố thị mà ngỡ một làng quê miền Trung. 
Thế rồi, dịch Covid-19 bùng phát trong cả nước như một cơn “bão” khiến nhà nhà lo lắng. Các biện pháp cấp bách được địa phương triển khai để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Khi đó, câu chuyện đảm bảo nguồn thực phẩm cho cả gia đình trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu, nhất là với phụ nữ ở thành thị. Mỗi khi tiên lượng chính quyền có thể áp dụng các biện pháp phòng dịch mới, mọi người lại đổ xô ra chợ, quán xá để mua thực phẩm về tích trữ. Họ lo lắng các chợ, trung tâm thương mại hay hàng quán sẽ phải đóng cửa để phòng dịch. Thế nhưng, mua ồ ạt không có kế hoạch là một sai lầm. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, cánh chị em trong xóm tôi bắt đầu lên kế hoạch cho việc đi chợ. Các chị chỉ đi chợ một lần để chuẩn bị đủ thức ăn cho cả tuần. Vì vậy, bữa sáng, bữa trưa, bữa tối các ngày đều được lên thực đơn chi tiết. Sau khi nghiên cứu thật kỹ, tính toán tỉ mỉ, các chị sẽ tổng hợp cần phải mua bao nhiêu ký thịt, mấy loại cá, những loại rau nào ăn trong ngày mai, còn củ quả có thể để đến cuối tuần. Những thực phẩm thiết yếu như: gạo, mì tôm và sữa luôn có sẵn trong nhà, đảm bảo đủ dùng trong một khoảng thời gian nhất định để không phải lo lắng thiếu thốn.
Hoạt động mua bán tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Hoạt động mua bán tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Cũng từ dạo đó, xóm tôi thưa dần tiếng í ới gọi nhau đi chợ. Sau khi “kế hoạch ăn uống” được đặt ra, mỗi chị em sẽ lần lượt thay phiên nhau đi chợ, mua cho gia đình mình và mua giúp cho cả người khác. Mỗi lần nhìn thấy một chị khệ nệ, lỉnh kỉnh túi to túi nhỏ từ chợ về, những người khác ùa ra nhận hàng. Cũng vì đi chợ theo kế hoạch mà vợ tôi và các chị lại thường xuyên mày mò cách trữ đồ ăn sao cho lâu hỏng. Thịt, cá, tôm được rửa sạch để ráo nước sau đó chia thành từng phần nhỏ vừa đủ cho một bữa ăn và cất riêng vào những chiếc hộp nhỏ trong ngăn đông tủ lạnh. Các loại rau ăn lá sẽ ưu tiên trên ngăn mát và giải quyết dứt điểm trong vòng 2 ngày đầu. Riêng các loại củ quả thì gói giấy báo để ở nơi khô ráo. Bằng cách như vậy, vợ tôi vẫn đảm bảo có rau củ tươi cho gia đình trong một tuần mà không phải đi chợ thường xuyên. Chuyện chị em nhờ nhau đi chợ hộ ngày càng nhiều, không còn thói quen tụm năm tụm ba để cùng nhau mua sắm. Người nhờ và được nhờ cũng vui vẻ giúp nhau. Đôi khi nhà này thiếu miếng thịt, bó rau, các bà nội trợ cũng không ngần ngại mượn nhau về nấu cho gia đình. Tôi cảm thấy, giữa những khó khăn của đại dịch, tình làng xóm dường như gắn kết hơn. 
Mặc dù các biện pháp phòng dịch Covid-19 đang dần được nới lỏng, song vợ tôi cũng như các chị em trong xóm đã quen với hình thức đi chợ này. Nó không chỉ phù hợp cho những ngày giãn cách mà cho cả những khi bận rộn. Giờ đây, trước lúc đi dạy ở trường, vợ tôi chỉ việc lấy thực phẩm ở ngăn đông ra ngoài, đến trưa về là có thể chế biến nhanh, gọn, cô ấy có thêm nửa tiếng đồng hồ để nghỉ trưa. Không chỉ vậy, tranh thủ những ngày nghỉ, cô ấy cũng nấu một số món, chia thành phần nhỏ rồi cấp đông. Bữa ăn vẫn đảm bảo ngon, đầy đủ dinh dưỡng nhưng không mất quá nhiều công sức. Thỉnh thoảng, tôi cũng có thể góp sức hâm nóng đồ ăn nếu vợ về muộn. Dịch Covid-19 đã làm xáo trộn không ít cuộc sống của chúng ta, có những thay đổi tiêu cực song cũng có những điều tích cực. Ví như việc bếp núc của chị em.  
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm