Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Di sản của Xu Man

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển lãm “Tranh của họa sĩ Xu Man” mở cửa đón khách tại Bảo tàng tỉnh giới thiệu đến người dân và công chúng yêu nghệ thuật các tác phẩm hội họa, tượng chân dung, ảnh về Xu Man-người nghệ sĩ duy nhất của Tây Nguyên cho đến nay nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật ở lĩnh vực mỹ thuật. Triển lãm kéo dài 1 tháng (từ ngày 31-8 đến 30-9) không chỉ giới thiệu các tác phẩm hội họa mà còn nhiều thông tin đặc biệt thú vị về người nghệ sĩ Bahnar.

Bài ca riêng về Tây Nguyên

Họa sĩ Xu Man vẽ hàng ngàn bức tranh về Tây Nguyên nhưng hiện chỉ còn lại 17 bức tranh gốc được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Một số tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, trên 100 bức do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong chụp lại trước khi thất lạc. Phần lớn tranh của ông được cho là đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước.

Các họa sĩ thưởng lãm tranh Xu Man tại triển lãm. Ảnh: H.N

Các họa sĩ thưởng lãm tranh Xu Man tại triển lãm. Ảnh: H.N

Triển lãm giới thiệu đến công chúng 70 bức tranh, hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Xu Man; trong đó có tranh gốc và tranh chụp lại. Được giới mỹ thuật đánh giá là họa sĩ có phong cách khác biệt, tranh Xu Man là một bài ca riêng đẹp đẽ về Tây Nguyên.

Chị Trần Thị Kim Thanh (hẻm Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) bày tỏ cảm xúc khi xem triển lãm: “Tranh của ông rất tươi sáng, tỏa ra cái chất riêng của Tây Nguyên. Tôi đặc biệt ấn tượng với những bức tranh ông vẽ kho lúa, được mùa, giã gạo… Đó là cái nhìn rất chân thực về một cuộc sống đơn sơ, bình dị, gắn bó cộng đồng. Phải đi nhiều, đọc nhiều mới thấy, mới hiểu được cái giản dị, thuần khiết ấy của Tây Nguyên, xem tranh cũng cảm nhận rất rõ điều đó”.

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu-hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, người có nhiều chục năm gắn bó với mỹ thuật Tây Nguyên-chia sẻ: “Thành công nhất của Xu Man là ông vẽ về con người với những chuyển động cực kỳ tài tình, tuyệt vời trong sáng tạo. Cả trăm con người xuất hiện trong tranh đều trong những trạng thái, cảm xúc khác nhau, hoàn toàn không có sự lặp lại. Con người trong tranh lễ hội cuốn người xem vào cái động đó, thấy mình như đang ở trong đó. Tranh của Xu Man rất riêng ở chỗ gần gũi, bình dị. Xem tranh ông người ta còn thấy phía sau đó là một người nghệ sĩ tràn đầy năng lượng và cảm hứng sáng tạo. Đó là tấm gương cho các thế hệ đi sau khi sáng tác về Tây Nguyên”.

Với sự yêu mến dành cho người nghệ sĩ Bahnar, nữ họa sĩ đã giúp Bảo tàng tỉnh về chuyên môn, kỹ thuật bảo vệ, bảo quản các tác phẩm hội họa hiếm quý-di sản còn lại của Xu Man trên chính quê hương ông.

Giới thiệu tượng chân dung Xu Man của nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh với các em học sinh TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Ngọc

Giới thiệu tượng chân dung Xu Man của nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Vinh với các em học sinh TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trong khi đó, họa sĩ Đinh Xuân Hiền-giảng viên Khoa Mỹ thuật (Trường Cao đẳng Gia Lai), cho rằng: “Xu Man có phong cách rất riêng. Lối tư duy, cách tạo hình riêng của ông không lẫn với họa sĩ nào của Việt Nam. Đó là đặc điểm, nét riêng biệt của Xu Man, được người trong ngành đánh giá rất cao”.

Di sản của Xu Man

Là người có nhiều kỷ niệm với Xu Man lúc ông còn sống, họa sĩ Đinh Xuân Hiền không giấu niềm xúc động khi xem triển lãm. Ông kể: “Khi Xu Man nghỉ hưu và về ở Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang), ông vừa làm nương rẫy, vừa vẽ tranh và vẽ rất nhiều, rất khỏe. Tinh thần lao động nghệ thuật của ông là tấm gương để học tập. Khoảng thời gian từ những năm 1990-2000, tôi hay về làng xem ông vẽ. Hôm nay, xem lại một số tác phẩm của Xu Man, tôi thực sự xúc động, như thấy lại hình ảnh lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ Bahnar ngày nào”.

Họa sĩ Đinh Xuân Hiền cho rằng, di sản tranh Xu Man rất lớn, nhưng phần lớn đã thất lạc. Rất may, Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ được một số tác phẩm gốc, đồng thời “làm lại” một số tranh do Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong chụp lại. “Cùng những tư liệu về Xu Man, triển lãm giới thiệu di sản của cố họa sĩ đến với công chúng, nhất là thế hệ trẻ người Tây Nguyên, giúp họ nhìn thấy văn hóa của mình, từ đó biết trân trọng, gợi mở cho thế hệ Jrai, Bahnar tiếp bước con đường đam mê nghệ thuật để làm nghệ thuật”-ông nói.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong ngoài chụp lại các tác phẩm hội họa của họa sĩ Xu Man còn có nhiều ảnh tư liệu quý về người nghệ sĩ Bahnar này. Trong đó có nhiều ảnh chân dung Xu Man, ảnh ông cùng gia đình, ảnh sinh hoạt hàng ngày, làm nương rẫy, vẽ tranh… Không những thế, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong còn thường xuyên đưa các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa cả nước về thăm người họa sĩ sống giản dị, khó nghèo ở ngôi làng Bahnar xa xôi của xã Ayun.

Ông kể: “Rất nhiều người đến thăm và mua tranh Xu Man, trong đó có những người ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội… Có người còn mua tranh ông đưa sang nước ngoài. Thấy thế nên tôi chụp lại các tác phẩm đó, khoảng trên 100 bức”.

Tác phẩm "Hội đâm trâu" của họa sĩ Xu Man hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh chụp lại

Tác phẩm "Hội đâm trâu" của họa sĩ Xu Man hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh chụp lại

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong: “Họa sĩ Xu Man là người rất gần gũi, giản dị. Mới nhìn qua không nghĩ ông là họa sĩ đâu, cứ nghĩ ông là một người nông dân thôi. Ông là người đam mê lao động nghệ thuật, đến lúc gần về trời, ông vẫn còn vẽ”.

Họa sĩ Xu Man được xem là người đặt nền móng cho mỹ thuật Tây Nguyên. Ông học hội họa tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, được bầu vào Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I, giành giải A hội họa tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976. Năm 2012, họa sĩ được truy tặng giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: Bác Hồ với tình yêu Tây Nguyên, Bác Hồ với Tây Nguyên (sơn dầu); Ngày hội trên Tây Nguyên, Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên (sơn mài). Trước khi là họa sĩ, Xu Man còn là một người lính Cụ Hồ. Cơ duyên được gặp Bác Hồ năm 1962 cho ông nhiều cảm hứng để đưa hình tượng Người vào trong rất nhiều tác phẩm về Tây Nguyên. Tiếc là di sản của ông còn lại rất ít ỏi.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong chia sẻ, ông có ý định in tuyển tập tranh Xu Man do ông chụp lại, cùng nhiều hình ảnh tư liệu về người nghệ sĩ tài danh này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Một số hình ảnh đã được Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Phong gửi tặng Bảo tàng tỉnh để có điều kiện lưu giữ, quảng bá tới đông đảo người dân và công chúng yêu nghệ thuật. Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang cũng đang lập hồ di tích nhà ở của họa sĩ Xu Man. Đây là những cách tri nhận công lao của người nghệ sĩ tài năng, được xem là cánh chim đầu đàn của mỹ thuật đương đại Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm