Văn hóa

Di tích An Phú điển hình cho văn hóa Champa ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã An Phú (TP. Peiku) ngày nay là một làng Việt cổ, nơi có làng rau trăm tuổi gắn với lịch sử của lớp người "khai khoa" cho vùng đất cổ. Cùng với những bí ẩn vừa được hé mở về di tích Chăm An Phú, nơi đây còn có thể là trung tâm kinh tế-văn hóa-tôn giáo của nền văn minh Champa xưa

Năm 2023, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm khảo cổ học (Viện Khoa học-Xã hội vùng Nam Bộ) tổ chức khai quật khảo cổ di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku). Cùng với việc phát hiện một số di vật thuộc văn hóa Champa là các tảng đá bệ thờ, đế kê bệ thờ, gạch Chăm…được người dân ở thôn 4 (xã An Phú) cất giữ, Trung tâm khảo cổ học nhận định phế tích Chăm này là di tích kiến trúc tôn giáo thuộc văn hóa Champa (có niên đại khoảng từ thế kỷ XII đến XV). Đây cũng là di tích Champa duy nhất được phát hiện ở TP. Pleiku cho đến nay.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đây là phát hiện rất quan trọng đối với quá trình nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hóa Champa ở Gia Lai và Tây Nguyên. Vậy phế tích Chăm này có đặc điểm gì nổi bật, có mối liên hệ gì với những dấu ấn văn hóa Champa đã tìm thấy trên đất Gia Lai và khu vực Tây Nguyên-Nam Trung Bộ hay không.

Trên con đường giao thương

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh-Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học chủ trì hoạt động thăm dò, khai quật di tích An Phú cho biết: di tích này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như di tích Champa, tháp Chăm Phú Thọ, Rong Yang… Trong cuốn “Po Tao; một lý thuyết về quyền lực của người Jrai ở Đông Dương”, nhà "Tây Nguyên học" người Pháp Jacquet Dournes đã đề cập đến thác Rong Yang như một mắt xích trong quan hệ mật thiết với các di tích Champa trong khu vực.

Hội thảo báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Champa An Phú. Ảnh: Hoàng Ngọc

Hội thảo báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Champa An Phú. Ảnh: Hoàng Ngọc

“Theo sơ đồ của Dournes, tháp Rong Yang trùng khớp với vị trí di tích An Phú hiện nay. Di tích này được đặt trong 1 tam giác biểu thị cho mối quan hệ giữa ba đỉnh Hapal Bia (Kon Tum), Yang Prong (Đak Lak) và Tháp Đôi (Bình Định). Phân tích từ mối quan hệ tộc người, văn hóa và sự tương tác trong quyền lực xã hội-chính trị, Rong Yang được xác lập trong cùng không gian văn hóa của vương quốc Champa. Hiểu 1 cách khái quát, đây chính là sự phản ánh một không gian liên kết vùng chặt chẽ, vừa mang tính truyền thống văn hóa-tộc người, vừa mang tính chất xã hội-chính trị giữa Tây Nguyên với vương triều Champa ở duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ Vijaya”- Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học cho biết.

Nhà nghiên cứu Champa Trần Kỳ Phương-nguyên cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, người tư vấn khoa học trong quá trình khai quật khảo cổ học An Phú nhấn mạnh: “Di tích Champa An Phú đã được rất nhiều học giả người Pháp nhắc đến từ những năm cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, cho thấy sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của nó. Theo các tài liệu của người Pháp, cao nguyên Pleiku từng rất phát triển, rất giàu có, là trung tâm trên con đường giao thương không chỉ trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà ở bán đảo Đông Dương.

Nghiên cứu về vùng Tây Nguyên, các học giả người Pháp đều đánh giá vị trí quan trọng của Pleiku. Rất tiếc là quá trình nghiên cứu ấy họ chỉ nghiêng về phần văn hóa, tín ngưỡng mà ít quan tâm đến khía cạnh kinh tế.

Kết quả khai quật khảo cổ học An Phú nằm trong chuỗi nghiên cứu lâu dài của tôi về ảnh hưởng của văn hóa Champa ở vùng Đông Dương, trong đó có miền Trung Việt Nam, vùng Tây Nguyên, Nam Lào và vùng Đông Bắc Campuchia. Do đó, đặt di tích An Phú trong tầm nhìn rộng hơn để thấy giá trị của di tích này, đóng góp tích cực vào tìm hiểu quá khứ mối bang giao rất rộng rãi ở bán đảo Đông Dương. Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ vai trò của di tích Chăm An Phú trên con đường giao thương xưa, là nhiệm vụ của chúng ta”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đình Phụng-nguyên Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học) đánh giá di tích Champa An Phú là phát hiện rất quan trọng ở vùng Tây Nguyên. Với kết quả khai quật di tích An Phú càng khẳng định Gia Lai tập trung những di tích Chăm ở miền núi điển hình nhất, có giá trị lịch sử của 1 thời kỳ, mang đặc trưng riêng của văn hóa Chăm ở Tây Nguyên. Trong đó, An Phú là 1 trong những địa điểm điển hình.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh (bìa phải)-Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học chủ trì hoạt động thăm dò, khai quật di tích An Phú giới thiệu một số hiện vật Chăm tìm thấy tại di tích. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh (bìa phải)-Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học chủ trì hoạt động thăm dò, khai quật di tích An Phú giới thiệu một số hiện vật Chăm tìm thấy tại di tích. Ảnh: Hoàng Ngọc

Việc phát hiện tường bao trong quá trình khai quật cho thấy di tích An Phú được xây dựng khá hoàn chỉnh theo giáo lý tôn giáo. Những hiện vật còn tương đối nguyên vẹn tìm thấy tại khu vực này cho phép tiếp tục nghiên cứu để làm sáng rõ nhiều vấn đề như: việc xuất hiện di tích Champa ở đây có thể liên quan đến cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông của quân dân Champa, vai trò di tích này trong cố kết các tộc người cũng như kết nối các trung tâm kinh tế-văn hóa-tôn giáo Champa thế kỷ XII-XV, đồng thời khẳng định quyền quản lý lãnh thổ của người Chăm ở những vùng nào...

Tái hiện lịch sử

Sau hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ học di tích An Phú, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh có một số kiến nghị đối với tỉnh Gia Lai như cần tiếp tục khai quật di tích Chăm này nhằm làm rõ toàn bộ cấu trúc tường bao và các kiến trúc nội vi bên trong.

Ngoài ra, cần thu hút sự chú ý của các chuyên gia, nhà khoa học, hợp tác để nghiên cứu sâu, đặc biệt là nghiên cứu so sánh với các di tích đồng dạng trên địa bàn Tây Nguyên cũng như miền Trung Việt Nam và rộng hơn trong khu vực để làm sáng tỏ những bí ẩn, giả thuyết các nhà khoa học đặt ra. Đồng thời, xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích và có phương án thu hồi-quản lý đất phù hợp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, biến nơi đây thành 1 trung tâm văn hóa-du lịch trong tương lai.

Di vật Champa An Phú được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Di vật Champa An Phú được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho rằng, di tích An Phú là di tích Chăm đầu tiên ở Tây Nguyên được khai quật khảo cổ học một cách khoa học, bài bản. Kế thừa thành quả đó, sắp tới đây địa phương cần có phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di tích khảo cổ học này sao cho hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng cho rằng, trước tiên, cần phải đề nghị công nhận di tích để có căn cứ pháp lý để bảo tồn và phát huy. “Kết quả nghiên cứu khai quật cho phép chúng ta nghĩ đến di tích Champa này có thể là 1 trung tâm kinh tế-văn hóa, tôn giáo cổ. Nếu tái hiện lại lịch sử bằng cách biến nơi này thành trung tâm lịch sử-văn hóa du lịch là chúng ta đóng góp vào lịch sử văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa địa phương”-ông Phụng nói

Về phía địa phương, sau nhiều thông tin thú vị về tháp Chăm An Phú, một lãnh đạo TP. Pleiku cho biết sẽ chỉ đạo UBND xã An Phú tiến hành họp thôn 3, thôn 4 và các làng đồng bào dân tộc thiểu số xung quanh để thu thập những câu chuyện, hiện vật liên quan đến đền tháp này. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẵn sàng hợp tác và mong nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản này.

PGS-TS Bùi Chí Hoàng-Ủy viên hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học-Xã hội vùng Nam Bộ: “Việc quan trọng nhất sắp tới chúng ta cần phải làm là phải khai quật phần trung tâm. Khi có kết quả khai quật trên phạm vi tường bao và vùng trung tâm thì chúng ta mới có giải pháp chính xác. Do đó, bước tiếp theo rất cần thiết và cấp thiết là phải triển khai chương trình khai quật để tiếp tục nghiên cứu. Di tích An Phú xứng đáng cần phải bảo tồn bởi nó đại diện cho văn hóa Champa ở Tây Nguyên. Vị trí địa lý của di tích nằm rất gần trung tâm của TP. Pleiku. Do đó, việc khai quật trong phạm vi, không gian như vậy rất thuận lợi để phát huy di tích qua con đường du lịch”.

Có thể bạn quan tâm