Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Vấn vít tơ hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một chiều, khi chở con gái đi dạo, tôi bần thần dừng lại trước một bờ giậu thấp vàng ruộm dây tơ hồng. Con gái tôi thích thú ồ lên khi thấy loài dây leo lạ. Nghe tôi nói tên, con còn thắc mắc vì sao dây leo chỉ có màu vàng, hoa thành chùm trắng mà lại gọi là dây tơ hồng.

Nghe con hỏi, tôi chợt phì cười vì đây cũng chính là những thắc mắc ngày nhỏ của mình.

Ngày ấy, dây tơ hồng vốn chẳng xa lạ với tụi trẻ con thôn quê chúng tôi. Cũng chẳng biết từ đâu, dây tơ hồng bò tràn lan khắp các hàng rào quanh xóm, phủ một màu vàng ánh đẹp tươi. Nhiệm vụ của chúng tôi chính là nhặt, bứt hết đám dây tơ hồng đang lan tràn nhanh chóng, không cho dây leo đến các loại cây ăn quả trong vườn. Việc này xem ra lại rất hợp với những đứa trẻ ham chơi, hiếu động. Vậy nên, chúng tôi thường lấy dây tơ hồng để “chế tác” thành những món đồ chơi thú vị. Dây dài thì bện lại, quấn thành vòng là có ngay chiếc vương miện quyền uy, khéo tay quấn thì thành cái kính mắt tròn tròn rất hợp thời trang, rồi vòng tay, ấy là chưa kể đến việc băm nhỏ để chơi trò nấu ăn.

123.jpg
Minh họa: HUYỀN TRANG

Thế nhưng, cái đáng ghét nhất của dây tơ hồng chính là nhựa. Khi mới bứt, nhựa tơ hồng nhìn trong veo như giọt sương, nhưng chỉ cần dính vào quần áo thì đen xỉn lại. Thế nên, khi nhặt dây tơ hồng cần phải mặc thêm lớp áo bảo hộ nếu không muốn làm bẩn đồ của mình. Làm công chúa với chiếc vương miện màu vàng thật đẹp trên đầu mà ở dưới thì mặc thêm cái áo khoác bên ngoài xâu xấu dính đầy nhựa thì thật chẳng giống ai. Vì vậy, đám con gái vẫn cố tìm cách vẩy ráo nhựa tơ hồng đi rồi mới chơi tiếp.

Theo thời gian, hình ảnh những dây tơ hồng dần dần ẩn sâu vào ký ức tôi. Đến ngày tôi ra trường đi dạy, ngôi trường gần nhà cũng có hàng rào xanh chuỗi ngọc bám đầy dây tơ hồng. Ký ức tuổi thơ lại ùa về. Mỗi buổi sáng, trước khi vào lớp, thế nào tôi cũng đưa mắt nhìn sang phía hàng rào. Sau giờ thể dục buổi sáng, tôi hay đứng nhìn các em học sinh cùng nhau nhặt dây tơ hồng. Mỗi lớp được phân công một đoạn tường rào, cứ thế xúm xít vào nhặt. Nhưng nhặt thì ít mà ghẹo nhau thì nhiều nên dây vẫn cứ vấn vít trên rào cây như thường. Đến mùa hè, nhà trường quyết định chặt sát tới gốc những bụi cây bị tơ hồng bám dính. Khi ấy, việc dung dăng đi nhặt dây tơ hồng của bọn trẻ mới chấm dứt.

Giờ đây, khi nhìn lại một góc ký ức của mình, tôi không khỏi bần thần. Trong khi con gái đang thử làm một chiếc kính thì cô chủ nhà bước ra, trên tay là một chiếc sàng. Cô đặt sàng xuống rồi bắt đầu đưa tay vơ từng ôm tơ hồng, xếp lại gọn gàng. Thấy tôi tỏ sự ngạc nhiên, cô cười bảo: Gom dây tơ hồng để bán. Người ta dùng dây tơ hồng để làm thuốc. Lúc này, tôi mới chợt nhớ ra, ngày bé mà đau bụng, bà tôi cũng lấy nhúm tơ hồng để sắc nước cùng mấy lát gừng tươi. Mấy nhà có người sinh con cũng đi xin tơ hồng về dùng. Dường như biết được tôi nghĩ gì, cô chủ nhà nói, chỉ cần thu hoạch đúng lúc thôi thì vừa được thuốc để bán, mà lại còn đẹp nữa. Đừng để dây trùm hết cây thì chăm lại cả cây lẫn dây tơ hồng, chúng vẫn có thể sống cùng nhau được. Có lẽ đây là một điều thú vị, mở ra cách sống mới cho loài cây vẫn được gọi là tầm gửi này. Nhìn cách cô thu hái cả một nong dây tơ hồng như một nong nắng vàng dày sợi mà thích mắt. Dường như tuổi thơ một lần nữa lại ùa về khi tôi thấy cô vừa hái vừa nói như hát đôi câu tôi cũng đã thuộc từ lâu: “Dây tơ hồng không trồng mà mọc/Thấy em chưa chồng, anh chọc anh chơi”.

Có thể bạn quan tâm