Tôi nhìn má bên cây chổi đã mòn cũ mà lòng như thắt lại. Sức khỏe của má đã không còn như xưa nhưng lúc nào cũng lụi cụi nấu cơm, quét nhà, chăm bẵm vườn rau mỗi khi trời còn chớm sáng.
![Minh họa: Huyền Trang mua-dot-minh-hoa-huyen-trang-bg.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/c95cdd41465dfb6cc90976b7f4d271600adcd1d96dc4a839073d167ff9d9811fea8d28ad0283a8da85ad84d3eed91c8da071827b44801a3963cdbcb211cdf382a7de70ce569fef90876e15fe95109f8f/mua-dot-minh-hoa-huyen-trang-bg.jpg)
Thì má vốn vậy, như bao bà mẹ quê tảo tần dành dụm để lo cho gia đình. Tôi nhìn những nếp nhăn đã dày trên khuôn mặt má và đôi bàn tay gầy guộc mà như có gì xộc vào hốc mắt, cay xè.
Những ngày má còn khỏe, với chiếc nón lá trên đầu cùng chiếc xe đạp tróc sơn, trưa nào trở về, trên xe cũng là bó đót hơn một vòng tay ôm. Mùa đót quê tôi bắt đầu từ cuối tháng Chạp và kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch. Thời gian này, bà con rủ nhau bứt đót ở những triền đồi cách nhà tôi hơn 5 cây số. Cây đót có lá rất sắc nên để hái được hoa đót cũng phải cẩn thận và biết cách để tránh vừa không làm hư bông vừa đảm bảo an toàn.
Theo chân má, tôi đi sâu vào cánh đồi để tìm những khóm đót dày. Tôi còn nhớ như in lời má tôi dặn rằng, con phải tước bớt lá bao quanh thân của bông đót, rồi mới bứt mạnh ra khỏi cây. Nếu gặp những bụi đót lớn thì phải đạp ngã xuống rồi nắm chiếc lá cuối ngọn giật ngược chiều thân cây.
Cứ như vậy, từng tốp hái đót từ sáng sớm đã lên đồi và khi mặt trời gần đứng bóng là gọi nhau í ới trở về. Trên vai ai nấy đều chất đầy đót với nụ cười đôn hậu tỏa rạng trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Từ những bông đót ấy, người dân quê tôi mang phơi rồi chọn ra những bông đẹp nhất để bó chổi.
Những khi ấy, anh em tôi lại lấy từng que đót đã khô, dùng tay tước những que nhỏ hai bên cho đến khi được một que đót có ngọn dài tầm 40 cm, thân que đót dài khoảng 80-100 cm xếp thành bó để ba má làm chổi. Những công đoạn tiếp theo đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mẩn thì ba má đảm nhận.
Cứ như vậy mà từ những bông đót qua đôi bàn tay của người nông dân một nắng hai sương quanh năm đã biến thành những cây chổi chắc chắn. Từ những cây chổi đót quê mộc mạc ấy, bữa cơm gia đình đủ đầy hơn. Anh em tôi nhờ vậy có thêm đôi dép, chiếc áo từ chiu chắt dụm dành sau mỗi mùa đót. Và tôi lại thấy nụ cười hiền từ của má.
Một chiều, tôi bần thần nghe tiếng chổi đót khua trên nền gạch xi măng từ đôi bàn tay má. Tiếng khua xao xác như vọng về những ngày cũ khiến tôi rưng rưng, lòng lại thêm thương nhớ những mùa đót cũ.