Điểm đến Gia Lai

Đi tìm đơn vị thực hiện "một cuộc tấn công phi thường" ở Pleiku năm 1968

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiến tích tiêu diệt Trạm phát sóng Pleiku mà đến người Mỹ cũng phải gọi là “một cuộc tấn công phi thường” (an extraordinary attack) hiện chưa được cập nhật vào các tài liệu lịch sử chính thống của địa phương. 

Báo Gia Lai số ra ngày 1-3-2021 đăng bài "Một cuộc tấn công phi thường của Quân Giải phóng". Theo đó, các tài liệu được phía Mỹ công bố gần hai chục năm trước cho biết: Đêm 23 rạng sáng 24-3-1968, một đơn vị đặc công đã tập kích Trạm phát sóng Pleiku (Pleiku Radio Station) của quân đội Mỹ. Về phía Mỹ, ít nhất có 1 sĩ quan bị chết, nhiều người bị thương.

Quan trọng hơn, Trạm phát sóng thuộc khu vực dưới chân núi Hàm Rồng này đã bị đặc công quân ta đánh sập, hoàn toàn tắt tiếng, 10 ngày sau mới được khôi phục hoạt động trở lại. Theo tài liệu thu thập được, lực lượng đặc công có 6 người trong tổng số khoảng 20 người làm nên cuộc tập kích táo bạo kéo dài 1 giờ 15 phút này, đã hy sinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiến tích tiêu diệt Trạm phát sóng Pleiku mà đến người Mỹ cũng phải gọi là “một cuộc tấn công phi thường” (an extraordinary attack) hiện chưa được cập nhật vào các tài liệu lịch sử chính thống của địa phương.

Sau khi bài báo được đăng tải, một người bạn công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tạo điều kiện cho người viết bài này tiếp cận thông tin từ một tài liệu lưu hành nội bộ. Đó là cuốn Lịch sử Tiểu đoàn Đặc công 408 Gia Lai được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2007.

Tại các trang 46 và 47 sách này có đoạn: “Mục tiêu đầu tiên K60 chọn là đài phát thanh nằm ở sườn tây thị xã, trên đường đi Chí Bè, trung tâm phát thanh, truyền tin của Mỹ-ngụy ở Pleiku. Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 3, K60 tổ chức 2 mũi, mỗi mũi 13 đồng chí dùng AK, B40, bộc phá tập kích vào đài phát thanh thị xã diệt gọn đại đội bảo vệ và nhân viên kỹ thuật gần 100 tên, phá sập 11 nhà, trạm biến thế, phá hủy 4 lô cốt, 160 thùng xăng dầu, 3 máy phát điện, 1 cột ăng ten thu phát”.

Theo tìm hiểu, K là đơn vị chiến đấu biên chế tương đương cấp đại đội; K60 là một đơn vị của Tiểu đoàn Đặc công 408 (thành lập tháng 12-1967), thuộc Tỉnh đội Gia Lai.


So với tài liệu từ phía Mỹ, đoạn viết trong cuốn sách lịch sử của Tiểu đoàn 408 có nhiều thông tin chi tiết hơn, đối với cả 2 phía. Cụ thể, không chỉ có 1 sĩ quan Mỹ tử vong (khi đến bệnh viện) mà gần 100 binh sĩ đối phương đã bỏ mạng. Không chỉ có cột ăng ten cao hơn 76 m bị đánh sập cùng nhiều thiết bị, máy móc, nhà cửa mà lô cốt, máy phát điện và 160 lít xăng dầu cũng đã bị đặc công phá hủy, đốt cháy.

Ông Hoàng Đình Thẻ-cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 408. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Ông Hoàng Đình Thẻ-cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 408. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Để vấn đề thêm sáng tỏ, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Đình Thẻ tìm hiểu thông tin về trận đánh này. Ông Thẻ (SN 1946, quê Thanh Hóa) là cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn Đặc công 408 trước năm 1975, đồng thời cũng là 1 trong 3 tác giả biên soạn sách Lịch sử Tiểu đoàn Đặc công 408 Gia Lai.

Tham gia quân đội từ năm 1964, ông Thẻ là Tiểu đội trưởng Thông tin của Tiểu đoàn Đặc công 408, ngay từ khi mới thành lập. Trận đánh Trạm phát sóng Pleiku do 2 sĩ quan chỉ huy mà ông đều quen biết là Đại đội trưởng Minh (người Mường, quê Thanh Hóa) và Chính trị viên Thực (quê Hải Dương). Khoảng 1 năm sau trận đánh này, Đại đội trưởng Minh (khi đó đã chuyển sang K90) hy sinh tại khu vực làng Nhao (xã Ia Kênh, TP. Pleiku ngày nay) còn Chính trị viên Thực thì trở thành Chính trị viên phó Tiểu đoàn 408.

Về số lượng địch bị tiêu diệt trong trận đánh, theo ông Thẻ, “gần 100” là bao gồm cả binh sĩ Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa. “Sau năm 1975, tỉnh Gia Lai giải tán Tiểu đoàn Đặc công 408 nên phần lớn anh em mỗi người đi một hướng. Đến nay, nhiều người già yếu, mất”-ông Thẻ tâm sự. Hơn nữa, do sự kiện xảy ra đã lâu nên ông không còn nhớ được tên của những người từng tham gia trận đánh oanh liệt này.

Ông Hoàng Đình Thẻ mong muốn những đóng góp của Tiểu đoàn Đặc công 408 Gia Lai sẽ tiếp tục được ghi nhận, trong đó có trận đánh Trạm phát sóng Pleiku năm 1968.


NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm