Phóng sự - Ký sự

Đi về hướng mặt trời - Kỳ 3: Vượt qua quá khứ lỗi lầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi trở về địa phương, những người từng nhẹ dạ cả tin nghe lời kẻ xấu tham gia tổ chức phản động FULRO hoặc bị các đường dây tội phạm lừa đảo để vượt biên đều nhận được sự bao dung của buôn làng và được chính quyền, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện ổn định cuộc sống. Nhờ đó, họ đã có thêm động lực để vượt qua quá khứ lỗi lầm, vươn lên trong cuộc sống.

Đứng dậy từ nơi vấp ngã

Ở huyện Đak Đoa, khi nhắc tới cái tên Jana (SN 1956, trú tại làng Ring Rai, xã Hà Bầu) thì rất nhiều người biết. Bởi ông từng được Ksor Kơk-kẻ tự xưng là “Tổng thống” của cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” phong cho làm “Tham mưu trưởng quân khu 2” phụ trách các hoạt động của tổ chức phản động FULRO tại Gia Lai.

Ông Jana (bìa phải) tuyên truyền người dân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) không nghe theo âm mưu, thủ đoạn của tổ chức phản động FULRO. Ảnh: Lê Anh

Ông Jana (bìa phải) tuyên truyền người dân xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) không nghe theo âm mưu, thủ đoạn của tổ chức phản động FULRO. Ảnh: Lê Anh

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang vào những ngày đầu tháng 4, ông Jana bộc bạch: “Tên khai sinh của tôi là Bome, cái tên Jana là do tôi tự đặt để đánh dấu cho tình yêu đầu đời của mình. Năm 1976, tôi có yêu một người con gái Jrai. Tôi là người Bahnar nên lấy tên Jana để tượng trưng cho tên gọi của 2 dân tộc. Đó là chuyện xưa, còn bây giờ, tôi không muốn người ta gọi là Jana nữa vì nó gắn với nỗi buồn và quá khứ tội lỗi khi lạc lối theo tổ chức phản động FULRO để chống phá chính quyền”.

Bằng chất giọng trầm buồn, ông kể tiếp câu chuyện về một thời tội lỗi: “Tôi sinh ra ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa. Năm tôi 16 tuổi (1972), tôi gia nhập ngụy quân và được cho đi học tại trường thiếu sinh quân để tạo hạt nhân trở về phục vụ cho hoạt động của chế độ ngụy. Năm 1978, khi vừa ra khỏi trại cải tạo, tôi trốn ra rừng tiếp tục hoạt động FULRO và nhận sự chỉ đạo từ đối tượng Ksor Kơk để xây dựng lực lượng và kêu gọi, xúi giục người dân trên địa bàn tổ chức biểu tình, gây rối chống phá chính quyền. Hơn 10 năm sống chui lủi trong rừng, tôi được Ksor Kơk phong cho làm “Tham mưu trưởng quân khu 2”. Nói là “Tham mưu trưởng” cho oai chứ thực chất cũng chỉ có 8 người lầm lũi trong “thâm sơn cùng cốc”, thiếu ăn, thiếu mặc, nếu không có lương thực tiếp tế của một số người thân thì tối đến, cả toán lại mò về làng trộm cắp, thậm chí cướp của người dân”.

Từ năm 1985 đến 1992, sau thời gian bám trụ tại buôn làng, các tổ trinh sát của Công an tỉnh Gia Lai và Cục An ninh Tây Nguyên xác định được toàn bộ 4 khung FULRO hoạt động trên địa bàn nên đã lập chuyên án đấu tranh. Cũng thời gian này, lực lượng FULRO ở Campuchia ra đầu hàng UNTAC (cơ quan chuyển tiếp Liên hợp quốc tại Campuchia) khiến những nhóm FULRO tại Việt Nam bị cắt đứt liên lạc nên dần suy yếu. Đến cuối năm 1992, lực lượng của ta đã triệt phá toàn bộ hoạt động FULRO vũ trang ở Tây Nguyên, nhiều tên cốt cán của tổ chức FULRO bị bắt. Lúc này, Jana cũng tự “trói tay” nộp súng ra đầu hàng chính quyền cách mạng.

Trở về quê sinh sống và lập gia đình, những tưởng cuộc sống của ông Jana sẽ yên bình. Thế nhưng, Ksor Kơk vẫn tiếp tục chỉ đạo ông hoạt động ngầm. “Lúc đó, Kơk nói với tôi không phải tham gia đấu tranh vũ trang hay chống phá chính quyền mà chỉ tập trung đòi lại quyền lợi về đất đai cho người dân và hứa sẽ cùng với các nước bên ngoài hỗ trợ. Sau này, khi thành lập “Nhà nước Đê ga tự trị” sẽ cho nhiều quyền lợi nên tôi nghe theo”-ông Jana cho biết.

Với niềm tin mù quáng, một lần nữa Jana lại phản bội lòng tin của gia đình, vợ con và dân làng để đi vào con đường tội lỗi khi cùng với các phần tử phản động lôi kéo đồng bào tiến hành biểu tình, bạo loạn, khuấy động cuộc sống yên bình của vùng đất Tây Nguyên. Sau cuộc biểu tình, bạo loạn năm 2001, với vai trò cầm đầu, tích cực chỉ đạo hoạt động của các nhóm chống phá chính quyền nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức và gây rối, Jana bị bắt giữ và kết án 12 năm tù về tội “Phá rối an ninh”.

“Lúc bị kết án, con đầu của tôi mới 8 tuổi, đứa nhỏ mới sinh nên cuộc sống của vợ con tôi rất cơ cực. Dù còn yếu nhưng vợ tôi vẫn cố gắng làm lụng để nuôi 2 con. Nếu không có dân làng, người thân thì không biết bây giờ vợ con tôi ra sao. Suốt 6 năm bị giam ở Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) và Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa), không một lần Ksor Kơk cho người tiếp tế hay thăm hỏi, hỗ trợ gia đình tôi. Lúc này, tôi mới nhận ra tổ chức FULRO chỉ là bọn lừa đảo, “vắt chanh bỏ vỏ” và sống phi đạo đức”-ông Jana tâm sự.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Jana luôn nhắc tới sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền địa phương để ông tái hòa nhập cộng đồng sau khi ra tù ngày 7-3-2012. Ông kể: “Khi tôi ra tù được ít ngày, Ksor Kơk lại cho người gọi điện để tiếp tục lôi kéo tôi đi sang Mỹ. Thế nhưng, tôi đã nói: “Ông đừng lừa đảo tôi đi theo con đường xấu nữa. Tôi mắc nhiều sai lầm nhưng chính quyền, dân làng, gia đình vẫn bao dung tha thứ nên tôi sẽ không bao giờ nghe theo các ông để làm chuyện xấu, phản bội dân làng, quê hương đâu”.

Để chuộc lại lỗi lầm của mình, ông Jana thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vạch trần âm mưu, thủ đoạn của tổ chức phản động FULRO. Ông đã lấy câu chuyện của mình như một dẫn chứng để cảnh báo cho những ai còn ảo tưởng về cái gọi là “Nhà nước Đê ga tự trị” hay những thứ tà đạo được bọn xấu lập ra để dụ dỗ dân làng. “Đời tôi đã sai, tôi chỉ muốn đừng ai sai lầm sa chân vào bóng tối như tôi. Chính quyền, bà con dân làng đã bao dung cứu vớt cuộc đời tôi nên không ở đâu bằng quê hương mình cả”-ông Jana chốt lại câu chuyện về đời mình.

Hơn 20 năm trước, dân làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cũng đã nhẹ dạ cả tin nghe theo sự lừa phỉnh của bọn phản động FULRO lưu vong. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu cuộc sống của những người một thời lầm lỗi, ông Phan Xuân Vịnh-Phó Chủ tịch UBND xã dẫn đến nhà ông Kpă Do. Ông Vịnh cho hay: Năm 2002, ông Kpă Do là chấp sự “Tin lành Đê ga”. Nhưng giờ ông làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol, luôn đi đầu trong mọi công việc chung.

Lúc chúng tôi đến nhà, ông Kpă Do vừa đi làm rẫy về. Ông bắt đầu câu chuyện với nét mặt đượm buồn: “Năm 2022, Ama Pun ở xã Bờ Ngoong cho người thông báo với người dân làng mình là ông bị chính quyền giữ, đề nghị dân làng lên tỉnh đòi người. Mình và nhiều người dân trong làng kéo nhau lên thành phố, dọc đường, nhiều người còn phá phách tài sản của Nhà nước. Khi được chính quyền giải thích, mình về làng mới biết Ama Pun chỉ lừa thôi, nó trốn ở nhà”.

Sau một số ngày đi học tập, nghe cán bộ tuyên truyền vạch trần những luận điệu xuyên tạc của FULRO, ông Kpă Do đã trở về với gia đình và từ bỏ “Tin lành Đê ga”. “Khi nhận ra những luận điệu xuyên tạc ấy, mình cảm thấy có lỗi với dân làng và gia đình vì để 5 đứa con nheo nhóc, đất đai nhiều nhưng không chăm lo lao động. Đó là chuyện cũ thôi nhà báo ạ. Giờ thì mọi thứ khác rồi”-ông Kpă Do chia sẻ.

Đất mẹ bao dung

Năm 2013, được chính quyền tạo điều kiện, dân làng bao dung, ông Nhữ Dăm Hoàng được trở về làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) thăm thân sau 22 năm xa cách. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà-nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên-nhớ lại: “Khi Nhữ Dăm Hoàng trở về, vừa gặp chúng tôi, ông đã tự nguyện xin lực lượng Công an và chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ đến những làng mà ngày xưa ông cùng các đối tượng FULRO dụ dỗ, lôi kéo, xúi giục người dân theo tổ chức FULRO, gây mất an ninh chính trị trên địa bàn để xin lỗi. Sau khi được sự đồng ý của cấp trên, chúng tôi đã đưa ông đến 13 làng từng là “điểm nóng” về an ninh trật tự vào các năm 2001-2004 ở các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ”.

Ông Nhữ Dăm Hoàng đang tuyên truyền với người dân tại xã Hà Ra (huyện Mang Yang) về các âm mưu, thủ đoạn lừa phỉnh của bọn phản động FULRO. Ảnh Công an tỉnh cung cấp

Ông Nhữ Dăm Hoàng đang tuyên truyền với người dân tại xã Hà Ra (huyện Mang Yang) về các âm mưu, thủ đoạn lừa phỉnh của bọn phản động FULRO. Ảnh Công an tỉnh cung cấp

Tại những nơi đến, ông đều gửi lời xin lỗi và xin được bà con tha thứ về những việc làm sai trái, lừa dối của mình để lôi kéo người dân tham gia tổ chức FULRO, khiến bao người phải lâm vào cảnh tha hương và vướng vòng lao lý. Ông cũng thẳng thắn vạch trần âm mưu, thủ đoạn của Ksor Kơk và tổ chức FULRO lưu vong, “Tin lành Đê ga”, khẳng định đây chỉ là tổ chức lừa đảo, phản động, lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chống lại chính quyền nhằm mục đích kêu gọi tiền từ một số tổ chức phản động bên Mỹ để trục lợi cá nhân. Ngoài ra, sau khi tự phong “Tổng thống”, Ksor Kơk thu tiền đóng góp của người dân tộc thiểu số vượt biên sang Mỹ và tự ý chi vào những việc do ông ta quyết định.

Khi được hỏi về Ksor Kơk và tổ chức FULRO lưu vong, “Tin lành Đê ga”, ông Nhữ Dăm Hoàng cho biết: “Dân làng hỏi tôi nhiều lắm, nhưng tôi khẳng định lời tôi nói ra từ trước đến nay đều là sự thật, không hề gian dối. Bản chất của FULRO lưu vong chỉ là tổ chức phản động, lừa đảo và hiện đã bị phân tán, dần tan rã. Một số người còn lại tự xưng là “Chủ tịch”, là “Tổng thống” chỉ để làm màu, khoác lác trên các diễn đàn, mạng xã hội nhằm phô trương và lừa đảo những người dân nhẹ dạ cả tin. Về quê lần nào tôi cũng nói với bà con đừng đi vào con đường sai trái, không ở đâu bằng quê hương mình”.

Cũng là nạn nhân, anh Adrơng Jem (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Sau khi được cán bộ Công an đưa về địa phương, tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Tôi cảm ơn chính quyền địa phương, dân làng đã tha thứ và hỗ trợ vật chất cho gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Sau khi nắm bắt các trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo vượt biên sang Thái Lan vừa trở về, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có người vượt biên thành lập tổ công tác xuống tận nhà để tuyên truyền, vận động và hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá lại tình hình an ninh trật tự và nắm bắt thực tế đời sống của người dân để từ đó huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, yên tâm sinh sống trên quê hương mình.

Có thể bạn quan tâm