Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam có khoảng 230 đạo luật; hơn 1.000 nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hơn 7.000 thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ… Nhưng, chất lượng của không ít văn bản pháp luật lại là câu chuyện dài. Tại nghị trường kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, rất nhiều ví dụ đã được chỉ rõ, phân tích.
Phối cảnh sân bay Long Thành |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những “sản phẩm” pháp luật chất lượng thấp, tuổi thọ ngắn. Một trong số đó là văn bản pháp luật được thiết kế, xây dựng, thẩm duyệt quá cập rập, vội vàng.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ, trước kỳ họp này, Chính phủ có đề xuất một số giải pháp, như thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong cơ sở, công trình đã có. Theo quy định, muộn nhất ngày 2-5, hồ sơ phải được gửi đến các cơ quan của Quốc hội để đánh giá, thẩm tra. Nhưng, mãi tới ngày 12-5, Chính phủ mới trình.
Thậm chí, để thẩm tra dự án luật sửa nhiều luật có liên quan đến các công trình giao thông (như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) để mở rộng phần vốn nhà nước tham gia trong một số trường hợp, phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương, nhằm gỡ vướng cho dự án sân bay Long Thành…, cơ quan thẩm tra cũng chỉ có 10 ngày thẩm tra trước khi kỳ họp khai mạc, trong khi vấn đề này đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra từ tháng 8-2022. Tháng 10-2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đi thị sát dự án trọng điểm quốc gia này và đã có thông báo kết luận những vấn đề cần tháo gỡ…
Hơn bao giờ hết, phương châm “từ sớm, từ xa” cần được quán triệt trong xây dựng pháp luật. Đi vội thì khó nhìn xa, xây dựng pháp luật cập rập thì “công trình” khó lòng đạt được chất lượng, độ bền như mong muốn.