Kinh tế

Nông nghiệp

Dịch tả lợn châu Phi tái phát ở hơn 30 tỉnh: Sự lơ là nguy cơ gây hậu quả lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ đầu tháng 10 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khi tổng số gia súc bị tiêu hủy trong tháng 10 gấp 2 lần so với tháng 9.

 


Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tuy các ổ dịch mới bùng phát chủ yếu là những ổ dịch nhỏ lẻ nhưng các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

Những tháng gần đây dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương. Ông nhận định như thế nào về diễn biến của dịch bệnh?

- Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn cả nước có 1.300 xã có dịch tả lợn châu Phi, trong đó có khoảng 5 xã là ổ dịch kéo dài từ cuối năm 2019, có trên 600 xã dịch bệnh tái phát trở lại. Đáng lưu ý là có 20 xã lần đầu tiên phát sinh dịch, điều này cho thấy dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài.

 

Lực lượng thú y phun tiêu độc khử trùng trại nuôi tại xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Huyện này vừa công bố dịch tả lợn châu Phi ngày 15/11. Ảnh: T.H
Lực lượng thú y phun tiêu độc khử trùng trại nuôi tại xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Huyện này vừa công bố dịch tả lợn châu Phi ngày 15/11. Ảnh: T.H

"Virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng rất tốt với môi trường, có thể tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, trong khi chúng ta chưa có vaccine, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số nên chúng tôi nhận định từ nay đến cuối năm 2020, thậm chí bước sang năm 2021 dịch bệnh vẫn diễn ra".

Ông Nguyễn Văn Long

Đặc biệt, trong các tháng 7, 8, 9 và 10, dịch tả lợn châu Phi có chiều hướng gia tăng, nhất là trong tháng 10/2020, tổng số gia súc bị tiêu hủy lên đến 17.000 con, gấp 2 lần so với tháng 9. Còn từ đầu tháng 11 đến nay có 3.500 con lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.

Hiện, trên cả nước vẫn còn 400 xã ở 31 tỉnh, thành phố có ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Điều này cho thấy, dịch bệnh vẫn đang hiện hữu.

Đây vẫn là bệnh do virus trong khi chúng ta chưa có vaccine nên việc phòng chống gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tỷ trọng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Có thể thấy một thực tế, tuyệt đại đa số các ổ dịch xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, có hộ chỉ nuôi 6 - 7 con và tập trung nhiều ở các tỉnh Tây Bắc.

Dịch tả lợn châu Phi trên cả nước

* 400 xã thuộc 115 huyện của 31 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày.

* 17.000 là số lợn phải tiêu hủy trong tháng 10/2020.

* 3.500 là số lợn phải tiêu hủy trong 10 ngày đầu tháng 11/2020.

Virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, lưu hành rộng trong quần thể, môi trường tại các ổ dịch cũ. Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ trên diện rộng rất dễ lây lan dịch bệnh; trong khi bệnh chưa có vaccine, đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát. Một số hộ vẫn sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp mà không qua xử lý nhiệt; sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, cho lợn uống. Thời gian qua, các tỉnh miền Trung mưa lũ liên miên, thời tiết thay đổi cũng khiến mầm bệnh lây lan nhanh.

Người chăn nuôi vẫn còn mua lợn giống không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Nhiều tỉnh, thú y cấp huyện không còn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, yếu nên việc giám sát, quản lý dịch bệnh thực hiện chưa tốt; chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y…

Điều này sẽ khiến việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, không chỉ do chúng ta chưa có vaccine, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn sinh học mà còn do nhu cầu tăng đàn, tái đàn, nhu cầu vận chuyển thực phẩm đang tăng cao trong những tháng cuối năm.

 


Chủ động được nguồn cung thịt lợn

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thời gian vừa qua, hiệu quả từ giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã giúp đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn và đạt trên 29% so với đầu năm, góp phần đưa giá thịt lợn đi xuống. Như vậy, dù dịch tả lợn châu Phi tái phát ở một số địa phương nhưng nguồn cung thịt lợn trong nước đã chủ động được bằng các giải pháp căn cơ là an toàn dịch bệnh và tái đàn.

Anh Thơ

Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới?

- Chúng ta cũng thấy, virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng rất tốt với môi trường, có thể tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, đường lây truyền phức tạp, trong khi chúng ta chưa có vaccine, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số nên chúng tôi nhận định từ nay đến cuối năm 2020, thậm chí bước sang năm 2021 dịch bệnh vẫn diễn ra, đặc biệt tại các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học.

Vậy những giải pháp trước mắt Cục Thú y khuyến cáo để thực hiện phòng chống dịch tả lợn châu Phi là gì, thưa ông?

- Mặc dù dịch tả lợn châu Phi tương đối nguy hiểm và có chiều hướng diễn biến phức tạp nhưng theo đánh giá của Bộ NNPTNT và trên thực tế, chúng ta đã xây dựng được những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ngay tại quy mô hộ gia đình.

Thực ra nói an toàn sinh học có vẻ trừu tượng nhưng người dân hoàn toàn có thể thực hiện được một cách dễ dàng. Thứ nhất, hàng ngày thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, thứ hai ngăn chặn triệt để các vec tơ truyền bệnh từ bên ngoài như chuột, ruồi, muỗi, thứ ba con giống phải nhập từ những cơ sở uy tín, có nguồn gốc và được kiểm dịch. Bộ NNPTNT cũng đã ban hành các quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, rất dễ thực hiện, người dân hoàn toàn có thể chủ động áp dụng. Nếu làm tốt điều này thì tôi tin việc kiểm soát dịch bệnh sẽ dễ dàng hơn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025. Theo ông, việc thực hiện kế hoạch này có ý nghĩa như thế nào trong quá trình khống chế dịch tả lợn châu Phi?

- Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam từ tháng 2/2019, khi đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm ứng phó với một loại dịch bệnh mới, do vậy, chương trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi cần phải được điều chỉnh.

Việc đưa phòng-chống dịch tả lợn châu Phi vào kế hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành có vai trò rất quan trọng. Nó sẽ giúp người chăn nuôi định hình và hiểu rõ mình cần phải làm gì để phòng chống loại dịch bệnh nguy hiểm này; các bộ ngành chức năng, địa phương cần phải làm gì để vừa đảm bảo phát triển ngành chăn nuôi an toàn vừa phòng dịch hiệu quả.

Kế hoạch này cũng đưa ra 12 giải pháp kỹ thuật quan trọng từ các biện pháp phòng dịch ra sao, chăn nuôi an toàn sinh học như thế nào, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn sinh học đến việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ như thế nào cho an toàn.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra việc nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ để có thể sản xuất vaccine cũng như các chế phẩm sinh học khác phục vụ cho người chăn nuôi, đồng thời có giải pháp truyền thông giúp người dân không lơ là, chủ quan, bởi nếu chỉ lơ là, chủ quan là mầm bệnh lây lan.

Xin cảm ơn ông!

 


Lo ngại bùng phát các ổ dịch mới

Theo báo cáo của các địa phương, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi mới, cho thấy dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Cụ thể, theo Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại huyện Định Hóa, thị xã Phổ Yên và TP.Sông Công. Tính đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 253 con lợn với tổng trọng lượng 9.646kg của 45 hộ chăn nuôi. Trong đó, thị xã Phổ Yên và TP.Sông Công là các địa phương được nhận định có tình hình dịch phức tạp nhất.

Tại Bình Phước, dịch tả lợn châu Phi vừa tái xuất hiện trên địa bàn tỉnh sau hơn 1 năm tạm lắng. Ba ổ dịch tả lợn châu Phi mới nhất xuất hiện tại huyện Chơn Thành, thị xã Phước Long và thị xã Bình Long. Ổ dịch mới nhất được phát hiện tại gia đình ông Phan Văn Đạt (ở ấp 2, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành). Trước đó, ngày 24/10, ông Đạt có mua 50 con lợn thịt, trọng lượng bình quân 40kg/con tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương về nuôi. Chỉ một ngày sau, ông Đạt phát hiện số lợn mới mua về này có triệu chứng sốt, bỏ ăn rồi lăn ra chết hàng loạt.

 
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: B.H.B
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: B.H.B



Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh), từ đầu tháng 5 đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 đợt dịch tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương. Mới đây, từ ngày 28/9 đến ngày 28/10, dịch đã phát sinh tại 17 hộ ở 6 thôn, 5 xã của 4 huyện, thành phố (Bình Liêu, Móng Cái, Đầm Hà, Uông Bí). Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 130 con, trọng lượng gần 4,5 tấn.

Tại Hà Tĩnh, sau mưa lũ, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tái bùng phát trở lại. Trong đó, ổ dịch của gia đình ông Hoàng Kim Dũng (ở thôn 3, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) được ghi nhận là mới nhất, sau 3 tháng huyện này không có ổ dịch mới. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 67 con lợn của gia đình ông Dũng, còn 45 con đang nuôi riêng để theo dõi.

Trong năm 2020, dịch tả lợn châu Phi tái phát ở Hà Tĩnh khiến 92 con lợn của 24 hộ dân ở huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, thị xã Hồng Lĩnh, TP.Hà Tĩnh bị chết, tổng số lợn phải tiêu hủy là 5,7 tấn.

P.V

http://https://danviet.vn/dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat-o-hon-30-tinh-su-lo-la-nguy-co-gay-hau-qua-lon-20201116185851048.htm

 

Theo ANH THƠ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm