Tính đến chiều 10/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn phải tiêu hủy là hơn 2,9 triệu con.
Lực lượng chức năng phun thuốc sát trùng phương tiện vận chuyển lợn qua địa bàn. (Ảnh: Công Thử/TTXVN) |
Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biễn phức tạp, một số địa phương tiếp tục bị tái dịch sau hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới hoặc đã công bố hết dịch.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, hiện trên địa bàn tỉnh có hai xã là Trung Yên và Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị tái dịch tả lợn châu Phi sau hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tuyên Quang đã có 70 xã, phường có bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó có sáu xã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 9.300 con với tổng trọng lượng trên 515 tấn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh.
Hiện, tỉnh Tuyên Quang đã cung cấp 76 tấn vôi bột, trên 7.500 lít thuốc khử trùng cho các địa phương có dịch tả lợn châu Phi để khoanh vùng, dập dịch; thành lập 87 chốt kiểm dịch tạm thời, một tổ cơ động để kiểm soát việc mua bán, vận chuyển lợn, phun thuốc khử trùng.
Tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường, tập trung triển khai quyết liệt, cấp bách và đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân về cách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, theo nguyên tắc đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội và không để người dân quay lưng với thịt lợn.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch như vệ sinh tiêu độc khử trùng, chủ động khai báo dịch bệnh, không dấu dịch, không mua bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ, vứt xác lợn bệnh, sản phẩm từ lợn bệnh ra môi trường; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh từ cơ sở nhằm phát hiện, xử lý, khống chế bao vây dập tắt kịp thời; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; thực hiện nghiêm, đúng quy định trong kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh...
Cán bộ thú y huyện Châu Thành, Tây Ninh tiêu độc, sát trùng chuồng lợn bị bệnh dịch. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN) |
Tại Hà Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Bệnh dịch xuất hiện tại tỉnh từ ngày 28/2 đến nay, 100% xã, thị trấn đều có các ổ dịch với hơn 105.600 con lợn đã phải tiêu hủy (chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng đàn lợn).
Nhiều xã đã công bố hết dịch nhưng sau thời gian ngắn dịch lại quay trở lại. Bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Thực hiện phòng chống dịch, tỉnh Hà Nam đã sử dụng hơn 41.400 lít hóa chất và gần 2.300 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường vùng dịch; đồng thời, duy trì liên tục các chốt chống dịch kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào thôn có dịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, cho biết thêm trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi như hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tập trung phòng chống dịch; trong đó, tổ chức khoanh vùng để dập ngay khi phát hiện ổ dịch, tránh để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người dân nắm rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; vận động người dân khi thấy lợn có biểu hiện ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; tuyệt đối không giấu dịch, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhiễm bệnh.
Xác định dịch bệnh tả lợn châu Phi sẽ còn kéo dài, ngành nông nghiệp Hà Nam đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm bớt thiệt hại do bệnh dịch gây ra; trong đó tập trung mở rộng chăn nuôi gia cầm, phấn đấu đến cuối năm 2019, tổng đàn gia cầm đạt 8 triệu con, vượt trên 1 triệu con so với chỉ tiêu kế hoạch; phát triển mạnh đàn gia súc ăn cỏ, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản và bò thịt chất lượng.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh tại các khu nuôi trồng thủy sản tập trung và các vùng ruộng trũng chuyển đổi theo quy hoạch, mở rộng phát triển nuôi cá lồng trên sông Hồng; nhân rộng mô hình nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao." Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển đàn dê, tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các mô hình chăn nuôi dê theo quy mô trang trại áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng quy mô, năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh để mang lại giá trị kinh tế cao.
Tính đến chiều 10/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn phải tiêu hủy là hơn 2,9 triệu con.
Vũ Quang Đán-Nguyễn Chinh (TTXVN/Vietnam+)