Du lịch

“Điểm cộng” nào cho các địa chỉ du lịch sinh thái tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Hẳn nhiên, các điểm du lịch sinh thái tại Gia Lai có sức hút mạnh mẽ chính bởi lợi thế mà thiên nhiên ban tặng như những cánh rừng, con thác cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc. Song có lẽ vẫn cần thêm một số “điểm cộng” để mang đến trải nghiệm ấn tượng hơn nữa cho du khách.

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế-xã hội cho cộng đồng địa phương.

Hiện Gia Lai có nhiều địa điểm du lịch sinh thái đã được đánh dấu trên “bản đồ du lịch” như: thác 50, thác Kon Bông (huyện Kbang); thác Mơ (huyện Ia Grai); Suối đá đĩa, núi Chư Nâm, núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang)…Có thể nói, Gia Lai đang sở hữu lợi thế rất lớn đối với loại hình du lịch này, nhưng chủ yếu vẫn đang khai thác dựa vào tài nguyên sẵn có và thiếu đi sự đầu tư tương xứng.

Điểm du lịch sinh thái Suối Đá đĩa (huyện Chư Păh) . Ảnh: Lam Nguyên

Điểm du lịch sinh thái Suối Đá đĩa (huyện Chư Păh) . Ảnh: Lam Nguyên

Trừ khu vực thác 50 có một vài căn lều bạt hay Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có khu lán để hạ trại tại trạm bảo vệ rừng (cách Trung tâm hành chính của Vườn chừng 2 km), mặt khác bố trí một số bộ bàn ghế ăn dã chiến, quây tạm khu vệ sinh thì hầu hết các điểm đến còn lại rất đơn sơ, không có lán trại dừng chân, nơi vệ sinh. Tại các con suối, thác không có điểm dịch vụ ăn uống, nơi thay quần áo…nên du khách thường phải tự xử lý “vấn đề” phát sinh.

Bà Trần Thị Vân-Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc Tourist-cho biết: Nhiều đoàn khách rất thích trải nghiệm du lịch sinh thái tại Gia Lai, song do các nơi này không có điểm dừng chân nghỉ tạm nên không tránh khỏi những lúc cả đoàn vừa ăn vừa…chạy nắng, chạy mưa. Thêm vào đó, việc thiếu khuyết các dịch vụ cơ bản khiến các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh dù rất đẹp nhưng lại không hút khách bằng một số điểm đến tương tự của một số tỉnh lân cận.

Tại hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Gia Lai” vào tháng 9-2023, ngành du lịch tỉnh ta cũng nhìn nhận thực tế: Tuy có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch sinh thái, văn hóa nhưng thời gian qua lượng khách đến tỉnh còn thấp, nhất là khách quốc tế.

Bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chỉ ra một số nguyên nhân như: Chất lượng các loại hình du lịch còn giản đơn, thiếu sự đầu tư chuyên nghiệp nên chưa đủ hấp dẫn; sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch chưa cao; thiếu các sản phẩm nổi bật để tạo ấn tượng với du khách; tại các điểm đến thiếu các dịch vụ trải nghiệm (ẩm thực, giải trí, mua sắm đặc sản...). Tỉnh cũng chưa thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, các nhà đầu tư tham gia chưa nhiều trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.

Mới đây, trong chuyến thăm thác Tea Prông, còn gọi là thác Đa tầng (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), chúng tôi không khỏi ấn tượng trước một điểm đến đẹp, đậm chất hoang sơ song cũng cho thấy nỗ lực tôn tạo của địa phương trong điều kiện có thể.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2019, thác Tea Prông được huyện Tu Mơ Rông xác định là một trong những điểm nhấn trong định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Do vậy, UBND huyện đã giao Huyện Đoàn Tu Mơ Rông đăng ký “Công trình thanh niên” nhằm xây dựng khu vực thác Tea Prông thành điểm du lịch sinh thái.

Căn chòi gỗ lợp tôn do đoàn viên thanh niên huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) góp công dựng nên để làm nơi nghỉ chân do du khách đến thăm thác Tea Prông. Ảnh: Lam Nguyên

Căn chòi gỗ lợp tôn do đoàn viên thanh niên huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) góp công dựng nên để làm nơi nghỉ chân do du khách đến thăm thác Tea Prông. Ảnh: Lam Nguyên

Với quyết tâm cao độ, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã góp hàng trăm ngày công để phát dọn mặt bằng, chặt tre nứa và tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để làm 3 cầu tạm qua suối; dựng 3 nhà chòi khá kiên cố để làm nơi dừng nghỉ, ăn uống cho du khách; lắp đặt thêm xích đu, bàn ghế.

Cùng với đó, đoàn viên thanh niên còn đưa vào sử dụng 1 công trình vệ sinh, 10 giỏ đựng rác. Từ khi hoàn thành đến nay, công trình đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng ngoạn vào các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần. Nếu không có sự chăm chút để “lấy lòng” du khách như thế, Tea Prông có lẽ vẫn sẽ khó lòng ghi điểm và níu chân du khách quay trở lại.

Từ mô hình trên có thể thấy đây là cách làm hay, nên học hỏi. Xa hơn nữa, việc đầu tư thêm để đường sá thuận lợi, có quầy bày bán sản phẩm du lịch đặc trưng hoặc sản vật địa phương, thức uống…tại một số địa chỉ nổi bật cần được tính đến. Được vậy thì chắc chắn các điểm du lịch sinh thái tại Gia Lai sẽ ngày càng có thêm nhiều điểm cộng trong mắt du khách gần xa.

Có thể bạn quan tâm