Giáo dục

Tin tức

Điểm sáng hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh khó khăn chung của hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) vươn lên như một điểm sáng phân luồng học sinh nhờ gặt hái được những kết quả khả quan trong đào tạo nghề và dạy học phổ thông.

Nỗ lực vượt khó

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông được thành lập năm 2009 trên cơ sở chia tách bộ phận GDTX từ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Đến tháng 1-2017, sau nhiều lần kiện toàn và sáp nhập thì chính thức mang tên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông. Việc sáp nhập, kiện toàn đó nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Bởi lẽ, từ năm 2017 trở về trước, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là khó khăn trong công tác tuyển sinh cùng sự xuống cấp của cơ sở vật chất.


Nhớ lại buổi đầu về nhận công tác tại Trung tâm, bà Đỗ Thị Mùi-Tổ trưởng tổ GDTX-kể: “Trung tâm thành lập được 3 năm thì tôi vào làm việc. Lúc đó, đơn vị chỉ có 1 dãy nhà cấp 4 xây giữa khu đất trơ trọi. Việc dạy học gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của thời tiết. Thời điểm ấy, học viên chủ yếu là người lớn tuổi hệ bổ túc để chuẩn hóa bằng cấp. Số lượng học viên khoảng hơn 100 người và được tổ chức dạy học vào những ngày cuối tuần hoặc buổi tối. Vì học viên ít, giáo viên chỉ mấy người, thiếu thiết bị nên chúng tôi gặp khó trong việc dạy”.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông là điểm sáng thực hiện chủ trương phân luồng giáo dục phổ thông. Ảnh: Thiên Di
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông là điểm sáng thực hiện chủ trương phân luồng giáo dục phổ thông. Ảnh: Thiên Di


Còn ông Võ Văn Lương-Giám đốc Trung tâm thì chia sẻ: “Năm 2018, UBND huyện điều động tôi sang quản lý Trung tâm. Lúc này, cơ sở vật chất không đảm bảo, học viên ít nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học và tâm lý của giáo viên”. Vì thế, lúc mới sang đây, ông Lương cũng buồn và có nhiều trăn trở. “Tôi đã thức trắng 3 đêm để suy nghĩ các giải pháp cải thiện tình hình thực tế ở đơn vị. Đầu tiên là nhanh chóng xốc lại tinh thần làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhờ thế mà giáo viên, nhân viên hăng hái, nhiệt tình làm việc hơn. Mặt khác, chúng tôi xin ý kiến cấp trên rồi khai giảng thêm các lớp bổ túc theo hình thức mới như lớp 3 năm nhưng chỉ học trong thời gian 2 năm; liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) mở các lớp đào tạo nghề nông thôn. Đồng thời, đề xuất huyện, tỉnh cấp kinh phí xây dựng thêm cơ sở vật chất hạ tầng, mua sắm trang-thiết bị phục vụ dạy học phổ thông và đào tạo nghề. Ngoài ra, chúng tôi còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ trương phân luồng học sinh phổ thông tại địa phương. Nhờ vậy, Trung tâm đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn”-ông Lương chia sẻ.

Những tín hiệu vui

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông là một trong số ít đơn vị được đánh giá cao trong phân luồng học sinh phổ thông vừa học văn hóa vừa học nghề. Hiện tại, Trung tâm có 158 học viên ở 5 lớp học hệ giáo dục phổ thông theo chủ trương phân luồng, trong đó, 98% là học viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tính riêng năm học 2021-2022, Trung tâm tuyển sinh được 60 học viên vào học lớp 10 theo chủ trương phân luồng. Tất cả 60 em này đều vừa hoàn thành bậc học THCS trong năm 2021.

 

Nam sinh Siu Nhông dọn vệ sinh phòng ở khu ký túc xá. Ảnh: Thiên Di
Nam sinh Siu Nhông (lớp 10) dọn vệ sinh phòng ở tại ký túc xá. Ảnh: Thiên Di


Có mặt tại Trung tâm vào buổi trưa ngày thứ sáu, chúng tôi cảm nhận được luồng sinh khí mới. Sau tiết sinh hoạt lớp, học viên hệ giáo dục phổ thông tập trung dọn vệ sinh khuôn viên trường. Tiếp đó, các em trở về khu ký túc xá dọn dẹp phòng ốc. Em Kpăh H'Then (lớp 12) cho hay: “Đây là năm thứ 3 em học ở Trung tâm. Chúng em vừa được dạy nghề lại vừa được dạy văn hóa, số môn văn hóa cũng ít hơn, được ở ký túc xá miễn phí, học phí được miễn, giảm và còn được hỗ trợ tiền ăn 300 ngàn đồng/tháng/người. Quan trọng nhất là em sẽ có một nghề sau khi ra trường và có thể đi làm kiếm tiền. Hiện em đang học nghề may”. Tương tự, cậu học trò đến từ xã Ia Mơr tên Siu Nhông (lớp 10) bộc bạch: “Đầu năm nay, các anh chị ở xã khuyên nên lên Trung tâm học vì vừa được học văn hóa, vừa được học nghề nên em nộp hồ sơ. Nếu không có điều kiện học lên thì em sẽ đi làm luôn. Em đang chờ các thầy cô tư vấn cho một nghề phù hợp để theo học”.

Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Chư Prông, các lớp đào tạo nghề cũng đạt được những tín hiệu tích cực. Cụ thể, trong năm học 2020-2021, Trung tâm dạy xong 12 lớp nghề nông thôn cho 362 học viên ở các địa phương; đào tạo 5 lớp sơ cấp nghề cho 158 học viên; liên kết mở 2 lớp trung cấp nghề cho 35 học viên…

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện thông tin thêm: Trong 4 năm qua, với sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ UBND huyện, chất lượng giáo dục ở Trung tâm được nâng lên. Riêng đối với hệ GDTX, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh bỏ học ít. Đơn cử như năm học 2020-2021, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 90%; 16,8% học sinh bỏ học; 100% học viên đạt hạnh kiểm khá, tốt. Học viên lớp 12 đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT đạt chỉ tiêu 100%. Đối với đào tạo nghề, học viên tham gia học ở Trung tâm đông hơn và nắm vững kiến thức để áp dụng vào thực tiễn sau khi kết thúc khóa học. Điều đáng mừng nhất là 2 năm trở lại đây, số lượng học viên trẻ tuổi tham gia học hệ giáo dục phổ thông theo chủ trương phân luồng tăng lên. Đa phần học xong lớp 9 là các em chuyển vào học luôn, cũng có một vài em chuyển từ các trường THPT khác sang. Còn trước đó thì chỉ có học viên lớn tuổi tham gia học hệ giáo dục phổ thông để chuẩn hóa bằng cấp.

“Dù thành tích đạt được chưa vượt trội nhưng đó là những tín hiệu tích cực cho thấy hướng đi đúng, đáp ứng nhu cầu xã hội về phân luồng giáo dục phổ thông và dạy nghề hiện nay. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương phân luồng để tăng lượng học viên cho Trung tâm và mở thêm nhiều hơn nữa các lớp đào tạo nghề”-ông Lương nói.

 

 THIÊN DI
 

Có thể bạn quan tâm