Anh Thao (SN 2004, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cho biết: Trước đây, anh làm công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Đầu năm 2023, anh không may bị gãy chân trong một vụ tai nạn giao thông. Vì không đảm bảo sức khỏe để làm việc nên anh xin chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị từ tháng 3-2023.
Sau khi nghỉ việc, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN với mong muốn có khoản tiền để vượt qua giai đoạn khó khăn khi chưa tìm được việc làm mới. Tháng 9 vừa qua, anh đã được nhận tiền trợ cấp BHTN tháng đầu tiên là 1 triệu đồng. “Tôi đã đóng bảo hiểm xã hội được 1 năm 3 tháng. Nay nghỉ việc nên tôi được hưởng BHTN. Mặc dù số tiền không lớn và thời gian được hưởng không dài nhưng nhờ chính sách BHTN, tôi có thêm một khoản tiền để trang trải cuộc sống trong lúc chờ tìm được việc làm mới. Khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi cũng được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm”-anh Thao chia sẻ.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động đăng ký tìm việc làm mới. Ảnh: Đ.Y |
Còn chị Vũ Thị Ninh (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) thì kể: Chị đã có 20 năm làm công nhân tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Vì sức khỏe không đảm bảo nên từ tháng 6-2023, chị xin nghỉ việc. Hiện nay, chị đang được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp trên 3 triệu đồng/tháng trong vòng 12 tháng. “Do nghỉ sớm nên tôi sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để đảm bảo đủ thời gian đóng bảo hiểm. Sau khi nghỉ, tôi làm thủ tục hưởng trợ cấp BHTN. Số tiền trợ cấp đã giúp tôi ổn định cuộc sống trong khoảng thời gian không có lương”-chị Ninh tâm sự.
Đối với anh Lê Văn Tài (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai), nhận thấy việc làm công nhân lắp ráp bộ nguồn thuộc Công ty TNHH FriWo Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) không phù hợp, tháng 6-2023, anh xin nghỉ việc và chuyển hưởng trợ cấp BHTN về Gia Lai. Sau đó, anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và đăng ký tư vấn việc làm.
Theo ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: Thời gian qua, Trung tâm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa của chính sách BHTN đến NLĐ, đơn vị sử dụng lao động. Từ đầu năm đến tháng 10-2023, Trung tâm đã tiếp nhận 5.653 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, Trung tâm đã tham mưu giúp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành 5.334 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ đủ điều kiện; tư vấn giới thiệu việc làm cho 25.000 lượt NLĐ; chi 607 triệu đồng hỗ trợ học nghề cho 96 người; giới thiệu việc làm cho 144 người quay lại thị trường lao động.
Ông Truyền nhấn mạnh: Đa phần NLĐ sau khi mất việc đều trông chờ vào khoản trợ cấp BHTN. Vì vậy, Trung tâm phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ kịp thời. Cùng với đó, Trung tâm còn phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai và cơ sở đào tạo lái xe để đào tạo các ngành nghề phù hợp cho NLĐ. 100% NLĐ đến Trung tâm để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cán bộ đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề. Ngoài trụ sở chính ở 50 Sư Vạn Hạnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn đặt 2 văn phòng tại thị xã An Khê và huyện Chư Sê.
“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề. Bên cạnh đó, tiếp tục liên kết với các trường nghề, doanh nghiệp để bổ sung, mở rộng các lĩnh vực đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của NLĐ. Theo quy định, NLĐ đóng bảo hiểm xã hội khi thất nghiệp sẽ được học nghề và giới thiệu việc làm miễn phí. Với người học dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng/khóa. Với người học 3-6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/tháng”-ông Truyền thông tin thêm.