Hằng ngày, trên mạng xã hội, các hội nhóm, diễn đàn về nhân sự và lao động hoạt động rất sôi nổi. Họ thường xuyên kháo nhau "về quê trồng rau nuôi cá", chia sẻ các giải pháp tìm lại động lực trong công việc hay bí quyết để phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.
Các thảo luận này cho thấy một xu hướng và tư duy nghề nghiệp mới. Theo đó, độ xác quyết và gắn bó của NLĐ với duy nhất một doanh nghiệp (DN) đã giảm đi rất nhiều.
Thay vì chú trọng sự ổn định như trước, NLĐ đang nghiêng dần sự ưu tiên của mình cho tiêu chí linh hoạt khi đi tìm việc. Thay vì uể oải ngồi làm 8 tiếng/ngày như trước, nay NLĐ muốn có môi trường làm việc tự do để phát huy khả năng sáng tạo và khám phá giá trị cá nhân của mình. Vì vậy, họ sẵn sàng làm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc để tạo ra được nhiều kênh thu nhập và tăng độ trải nghiệm.
Báo cáo của Anphabe về sự phát triển và xu hướng của thị trường lao động VN trong một thập niên qua cũng cho thấy "làm việc linh hoạt" không còn đơn thuần là một lựa chọn nữa, thay vào đó nó trở thành tiêu chuẩn mới. Đặc biệt đối với NLĐ gen Z thì đây là điều kiện hàng đầu khi tìm việc.
Đak Đoa tư vấn, hướng nghiệp nghề cho gần 200 lao động, học sinh dân tộc thiểu số
“Đón đầu” cơ hội nghề nghiệp mới
Từ sau dịch Covid-19 đến nay, thị trường lao động chứng kiến số NLĐ làm việc tự do, bán thời gian tăng lên. Cũng theo Anphabe, đã có khoảng 57% nguồn nhân lực trí thức tại VN tham gia vào nền kinh tế tự do, điều này cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong quan niệm của NLĐ về sự ổn định trong công việc.
Khi tư duy nghề nghiệp của NLĐ thay đổi, các DN cũng không thể giậm chân tại chỗ. Không chỉ là câu chuyện cải thiện các chính sách phúc lợi nữa, DN giờ đây buộc phải thay đổi, hướng môi trường, văn hóa làm việc của đơn vị trở nên đa dạng hơn, hòa nhập hơn. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN đổi mới cách quản lý và phát triển trong kỷ nguyên mới.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)