TN - Đất & Người

'Điểm tựa' của đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng các chính sách đầu tư thiết thực, đời sống của người dân Kon Tum, nhất là người dân tộc thiểu số đang từng bước khởi sắc.

Một đường làng đã được bêtông hóa, khang trang, sạch đẹp tại Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)
Một đường làng đã được bêtông hóa, khang trang, sạch đẹp tại Kon Tum. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần thay đổi diện mạo các thôn, làng vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng các chính sách đầu tư thiết thực, đời sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số đang từng bước khởi sắc.

Đổi thay vùng dân tộc thiểu số

Xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) có 6 thôn với hơn 5.300 nhân khẩu (96% là người dân tộc thiểu số đang sinh sống). Thông qua nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chính quyền xã đã đầu tư hoàn thiện tuyến đường giao thông liên thôn, làng, giúp việc giao thương của người dân ngày càng thuận tiện.

Nhờ đó, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,38%.

Với tín hiệu tích cực này, năm 2024, xã Đăk Ang là xã cuối cùng của huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn nông thôn mới.

Già làng A Nuy (thôn Đăk Giá 2, xã Đăk Ang) phấn khởi cho biết với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, hệ thống giao thông, cầu đường, kênh mương nội đồng trên địa bàn đã được bêtông hóa. Các hộ nghèo được chính quyền hỗ trợ bò sinh sản để cải thiện cuộc sống. Trường học được đầu tư khang trang. Nhờ đó, đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ang Y Tý chia sẻ khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đa phần người dân đều đồng thuận và chung tay cùng chính quyền trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Đơn cử như khi làm đường giao thông, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất, góp ngày công để hoàn thành công trình. Nhiều hộ còn mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất. Nhờ đó giúp xã về đích nông thôn mới trong năm nay.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2022, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) đã triển khai mô hình trồng lúa năng suất cao ST25 với diện tích hơn 6ha. Địa phương có 32 hộ người dân tộc thiểu số tham gia trồng lúa mang lại hiệu quả tích cực với sản lượng đạt hơn 5 tấn/ha. Qua đó, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số, loại bỏ những cây trồng, vật nuôi không còn phù hợp, thay bằng việc áp dụng các loại giống mới và khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, thu nhập.

Chị Y Tranh (thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong) chia sẻ người dân trước đây chỉ quen trồng lúa rẫy nên năng suất thấp. Được xã hỗ trợ giống lúa ST25 và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình đã mạnh dạn trồng thử 2 sào.

Ngoài ra, chị còn được cán bộ nông nghiệp tận tình chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, lúa phát triển tốt, thu hoạch 2 sào được hơn 1 tấn lúa.

Thấy được lợi ích, gia đình chị và những hộ khác trong làng bắt đầu trồng và mở rộng thêm diện tích lúa ST25 để tăng thu nhập.

Phấn đấu giảm nghèo bền vững

Bằng nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022-2024, huyện Sa Thầy được phân bổ tổng nguồn vốn hơn 212 tỷ đồng.

Với sự triển khai đồng bộ hiệu quả chương trình, huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,99%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 51 triệu đồng.

Đến nay, toàn huyện có 11/11 xã, thị trấn có đường bêtông hóa; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở, sản xuất đạt hơn 98%.

Anh A Kương (thôn trưởng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) chia sẻ trước đây, người dân chỉ biết sống phụ thuộc vào việc trồng mỳ (sắn) nên rất khó khăn. Từ khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ mì sang trồng càphê, cao su mang lại thu nhập cao. Nhờ đó, số hộ nghèo trong thôn đã giảm đáng kể xuống còn 16 hộ.

Người dân tộc thiểu số tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) trồng cây công nghiệp để nâng cao thu nhập. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Người dân tộc thiểu số tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) trồng cây công nghiệp để nâng cao thu nhập. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy Rơ Châm Lan, với nhiều đề án, mô hình và đầu tư có hiệu quả, cuộc sống của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số đã từng bước được nâng lên. Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai sâu rộng các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tiếp tục nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Với nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Ngọc Hồi có 7/7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 giảm còn 2,95%.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi Y Lan cho biết huyện luôn ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và khuyến khích thu hút, đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” để giúp người dân vươn lên làm giàu, đóng góp chung vào việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tại tỉnh Kon Tum, các chương trình mục tiêu quốc gia được xem như “điểm tựa” của người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số tiếp cận được những dịch vụ xã hội nâng cao. Qua đó, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và hướng đến từng bước làm giàu trên quê hương.

Theo Khoa Trương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm