Bạn đọc

Điểm tựa gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong tất cả những định nghĩa về hai tiếng “gia đình”, tôi thích cách gọi gia đình là tổ ấm. Với một đứa trẻ mà nói, nhà trường và xã hội cũng có ý nghĩa rất lớn lao nhưng gia đình mới là điểm tựa đầu tiên và quan trọng nhất.
1. Tôi nhớ có lần cùng các học trò tìm hiểu đoạn trích “Bố của Xi-mông” nằm trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Maupassant. Câu chuyện kể về một cậu bé luôn bị bạn bè chế giễu, bắt nạt vì không có bố. Với lời giới thiệu như thế, tôi mời các em đọc truyện. Lập tức một cánh tay giơ lên trong sự ngỡ ngàng của tôi và lớp học lúc đó. Nói là ngỡ ngàng bởi lẽ cậu học trò này rất trầm tính và hiếm khi chủ động phát biểu xây dựng bài. Thật lạ là giọng đọc của em to, rõ nhưng chất chứa một nỗi niềm gì đó như thể chính em là cậu bé Xi-mông trong truyện vậy. Sau này, tôi mới biết em sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, bố mẹ ly hôn từ khi em còn trong nôi, mỗi người một nơi, gửi lại em cho ông bà ngoại nuôi nấng. Chuyện này làm tôi cứ nghĩ mãi.
“Khó đi, mẹ dắt con đi”, có phải ý nghĩa của gia đình là vậy? Như đại văn hào Dostoyevsky từng nói: “Con người không có kỷ niệm nào quý giá hơn kỷ niệm về thời thơ dại trong ngôi nhà của mẹ cha nếu như gia đình có chút ít tình yêu và sự gắn bó”. Bên lời ru của mẹ, trong vòng tay cha, một đứa trẻ cứ thế lớn lên rồi đi theo số phận riêng. Đó là hành trình khám phá thế giới xung quanh nhưng lại để hiểu chính bản thân mình. Ai đã từng là một đứa trẻ mà không cảm thấy ngọt ngào khi được âu yếm, chở che cơ chứ! Như mầm cây được dưỡng nuôi từ đất, nước và muôn ngàn tia nắng. Tổ ấm gia đình là điểm tựa thiêng liêng mà nếu mất đi, có khi suốt cả cuộc đời, con người ta cứ mãi chông chênh.
2. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau trước tiên là bởi tình máu mủ ruột rà. Nhưng chính sự thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông giữa họ mới là sợi dây gắn kết bền chặt nhất. Mỗi ngày, cuộc sống hiện đại đặt ra cho chúng ta quá nhiều thử thách, đi kèm với đó là áp lực. Người lớn còn cảm thấy khó khăn huống hồ là một đứa trẻ, non nớt và dễ bị tổn thương. Tôi không cố ý nhắc lại những sự việc đau lòng mà truyền thông đưa tin dạo gần đây, rằng nhiều em học sinh đã chọn cách quyên sinh khi cảm thấy bế tắc trong cuộc sống. Không phải bởi thiếu ăn, thiếu mặc mà vì thiếu đi sự kết nối với gia đình và những người xung quanh. Với cái nhìn của một người ngoài cuộc, tôi chỉ ước rằng, giá như các em kịp giãi bày ẩn ức với người thân trong gia đình, kịp nhận được sự lắng nghe, cảm thông từ họ thì biết đâu chừng câu chuyện sẽ có lối ra. Vì dẫu sao, gia đình vẫn là điểm tựa đầu tiên và thiêng liêng nhất. “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”, đây là câu nói làm tôi xúc động một thời gian dài. Thì ra, trong một gia đình, không chỉ có những đứa trẻ mới cần được lắng nghe và thấu hiểu.  
Tôi tin rằng vấn đề nhận thức có tác động rất lớn trong các quyết định và lựa chọn của một đứa trẻ khi các em rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý. Dù yêu thương và lo lắng đến nhường nào thì bố mẹ, thầy cô, bè bạn… cũng không thể luôn luôn có mặt để cứu mỗi đứa trẻ trước những quyết định tiêu cực của chúng. Vì vậy, việc giúp cho các em hiểu được giá trị của sự sống là vô cùng cần thiết. Dẫu bất hạnh đến đâu, sóng gió bao nhiêu thì cuộc đời vẫn luôn đáng sống. Có lẽ, khi hiểu được hình hài cha mẹ cho quý giá đến nhường nào, sự có mặt của bản thân trên trái đất này kỳ diệu ra sao thì chúng ta sẽ không dễ dàng từ bỏ…
“Tổ ấm gia đình không gì sánh được/Còn trong ký ức bao nhiêu buồn vui/Tình thương của mẹ cùng lời cha dặn/Một mai vững bước cho con vào đời” (Niềm vui gia đình-Hoàng Vân). Quả thật, sự khắc nghiệt của cuộc sống là quá sức chịu đựng của một đứa trẻ, nếu không có gia đình làm điểm tựa. Dù biết, bố mẹ cũng không thể làm người dẫn đường cho con cái vì mỗi người đều có hành trình sống của riêng mình. Nhưng sự gắn kết về tinh thần giữa các thành viên trong gia đình là hành trang đẹp đẽ để một đứa trẻ bước vào đời.
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm