(GLO)- Sáng 8-11, tại Hội trường 2-9, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn tháo gỡ khó khăn và kết nối cung-cầu cho Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Dự và chủ trì diễn đàn có các ông: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Đức Hoàng-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đỗ Tiến Đông-Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham gia diễn đàn có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, các ngân hàng thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo UBND nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đại diện hơn 200 HTX trên địa bàn tỉnh
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Lê Nam |
Báo cáo tại diễn đàn, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 HTX và 1 Liên hiệp HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX là 245 HTX, tổng số thành viên 17.568 người. Trong đó, 129 HTX nông nghiệp, 10 HTX công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, 26 HTX giao thông vận tải, 6 HTX xây dựng, 5 HTX thương mại và 6 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng vốn hơn 187,9 tỷ đồng; doanh thu 10 tháng của năm 2019 hơn 125 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.822 lao động địa phương.
Tại diễn đàn, đại diện các HTX đã nói lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh thời gian qua như chưa có đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi; khó tiếp cận các nguồn vốn vay; thiếu lao động trẻ có trình độ làm việc tại HTX, trình độ quản lý, năng lực cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ HTX; nâng cao công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho HTX; đặc biệt rất nhiều HTX còn gặp khó khăn trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Lê Nam |
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức diễn đàn để bàn cách tháo gỡ khó khăn và kết nối cung-cầu giúp HTX phát triển bền vững. Thông qua diễn đàn giúp cho HTX có thêm thông tin, địa chỉ tin cậy để liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các HTX cần chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề đang vướng mắc với Liên minh HTX để đề xuất ngành chuyên môn, UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, các HTX cũng phải tự vươn lên bằng chính “đôi chân” của mình chứ không phải cái gì nhà nước cũng can thiệp, bởi vì nhà nước chỉ đóng vai trò là “bà đỡ” và hỗ trợ trong thẩm quyền theo quy định chứ không thể đứng ra làm thay cho HTX. Ngoài ra, HTX cũng như một doanh nghiệp nên phải chịu trách nhiệm về kết quả trong sản xuất, kinh doanh của mình.
Đối với những kiến nghị của HTX, Chủ tịch UND tỉnh đã chỉ đạo và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các định chế về đất đai để giải quyết khó khăn về quỹ đất và cho HTX thuê đất. Hàng năm, UBND tỉnh đã triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ các HTX nhằm nâng cao trình độ. Các địa phương, HTX cần chủ động tự đứng ra liên hệ, quảng bá sản phẩm và liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đối với những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của HTX liên quan đến địa phương, các ngành thì đề nghị các ngành, các địa phương nghiên cứu tham vấn, hướng dẫn cho HTX để tháo gỡ, tạo điều kiện cho HTX phát triển.
Đại diện doanh nghiệp và HTX ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Lê Nam |
Cũng tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp và HTX đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, giao thương như ký kết giữa Nhà máy đường An Khê với HTX Tú An (thị xã An Khê) về liên kết sản xuất và tiêu thụ mía; ký kết giữa Công ty TNHH Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh với HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS và HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (huyện Chư Pưh) về hợp tác cung cấp, thiêu thụ sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học và chế biến, tiêu thụ sản phẩm cao đinh lăng; ký kết giữa VNPT Gia Lai với HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) về cung cấp và nhu cầu sử dụng tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa; ký kết giữa Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với HTX Nông nghiệp Minh Hòa (thị xã Ayun Pa), tổ liên kết xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) về liên kết trồng và tiêu thụ ngô ngọt và chanh dây.
Lê Nam