Điểm đến Gia Lai

Diện mạo mới của phường Yên Thế sau 20 năm thành lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phường Yên Thế (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Biển Hồ theo Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 9-11-2000 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6-1-2001. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, diện mạo của phường ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao.

Đổi thay sau 20 năm

Trao đổi với P.V, ông Tô Tảng-nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Yên Thế-nhớ lại: “Sau khi chia tách từ xã Biển Hồ, phường Yên Thế có nhiều mặt hạn chế như: xuất phát điểm kinh tế còn thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và UBND thành phố, sự quan tâm đầu tư của cấp trên cùng sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, Đảng bộ và nhân dân đã đoàn kết đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để từng bước xây dựng địa phương phát triển về mọi mặt”.

Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Yên Thế. Ảnh: Thanh Nhật


Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Mai Thị Thanh Huyền, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ phường thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ từng bước ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng ủy phường chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hệ thống chính trị cơ sở.

Sau 20 năm, Đảng bộ phường đã phát triển gần 200 đảng viên mới. Đến nay, Đảng bộ có 18 chi bộ trực thuộc với gần 950 đảng viên, tăng 354% so với năm 2001. Đặc biệt, Đảng bộ phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đều tăng, năng lực sản xuất được phát huy, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của phường năm 2020 đạt gần 497 tỷ đồng, tăng hơn 476 tỷ đồng so với năm 2001. Ngành thương mại-dịch vụ phát triển nhanh, có 735 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tăng 120 cơ sở so với năm 2015. Giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ năm 2020 đạt gần 587 tỷ đồng (tăng 245 tỷ đồng so với năm 2015 và tăng 568,5 tỷ đồng so với năm 2001), đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động mỗi năm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt hơn 278,5 tỷ đồng, tăng 261,6 tỷ đồng so với năm 2001. Tổng thu ngân sách hàng năm đều vượt kế hoạch. Nếu như năm 2001, tổng thu ngân sách đạt gần 1,4 tỷ đồng thì năm 2020 là 8,1 tỷ đồng.

 Tổ dân phố 8 (phường Yên Thế) là đơn vị tiêu biểu nhiều năm liền đạt danh hiệu văn hóa. Ảnh: Thanh Nhật


Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao đã có những kết quả tích cực. Đến nay, toàn phường có 5/5 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến lớp, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt gần 99%, học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 100% Nghị quyết của Đảng ủy phường và kế hoạch của ngành đề ra.

Công tác xóa đói giảm nghèo được phường đặc biệt chú trọng. Nếu như năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,9% thì năm 2020 (theo tiêu chí đa chiều) còn 0,14%. Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ nét; năm 2001 thu nhập bình quân đầu người là 8 triệu đồng thì đến năm 2020 là 50 triệu đồng.

Tích cực xây dựng đô thị văn minh

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku (khóa X) “Về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020”, trong 10 năm (2011-2020), Đảng ủy phường Yên Thế đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng ở tất cả cơ quan, ban ngành cũng như tại khu dân cư. Cùng với đó, phường quan tâm phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện.

Bộ mặt đô thị phường Yên Thế (TP. Pleiku) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thanh Nhật


Ông Trần Đại Trí-Chủ tịch UBND phường-cho biết: “Phường chú trọng vận động nhân dân hiến đất mở đường, đóng góp kinh phí cùng với Nhà nước làm đường hẻm, mắc đèn chiếu sáng, xây dựng hội trường ở các tổ dân phố. Đến nay, 98% đường hẻm tại khu dân cư được nhựa hóa, bê tông hóa, trong đó nhân dân đóng góp 4,8 tỷ đồng; lắp đặt 347 bóng đèn chiếu sáng, xây mới và sửa chữa các hội trường tổ dân phố và nhà rông làng Bruk Ngol… Đồng thời, phường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, không lấn chiếm lòng đường, lề đường làm nơi kinh doanh mua bán”.

Bên cạnh đó, phường thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước của tổ dân phố, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện nay, 100% tổ dân phố, làng của phường đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa giai đoạn 2015-2020 đạt 96%.

 

 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm