(GLO)- Thời gian gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ sinh hoạt. Ưu điểm của hệ thống này là giúp tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cho hệ thống điện lưới.
Tiết kiệm tiền điện
Gia đình anh Nguyễn Thanh Thảo (số 525 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) hiện đã bước qua năm thứ 3 sử dụng điện mặt trời áp mái. “Hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình gồm 4 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái nhà, có diện tích bề mặt khoảng 2,5 m2, công suất 400 W; bộ biến áp kỹ thuật số inverter loại DA 1.000VA. Hệ thống này tự động chuyển mạch sang lưới điện quốc gia khi nguồn năng lượng mặt trời thiếu. Tổng mức đầu tư cho hệ thống là 25 triệu đồng”-anh Thảo giới thiệu.
Cũng theo anh Thảo, hệ thống điện mặt trời áp mái hoạt động khá tốt, giúp gia đình anh không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn điện lưới quốc gia. Tất cả các thiết bị điện trong gia đình anh đều sử dụng điện năng lượng mặt trời. Nhờ đó, tiền điện trả hàng tháng giảm được khoảng 70% so với trước đây. Việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đem lại nguồn sáng ngay cả khi không có nguồn điện lưới. Vì vậy, khi điện lưới bị cúp thì gia đình anh vẫn có điện để sử dụng.
Thi công công trình điện mặt trời áp mái. Ảnh: H.D |
Không chỉ các hộ gia đình mà một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm tiết kiệm chi phí. Trong số này, tiên phong là Công ty Điện lực Gia Lai. Tháng 4-2018, Công ty đã lắp đặt 138 tấm pin điện mặt trời áp mái với tổng diện tích 286 m2, công suất 50 kWp trên mái trụ sở làm việc. Hiện việc lắp đặt hệ thống này cũng đang được tích cực triển khai tại các đơn vị trực thuộc Công ty với tổng công suất 443,52 kWp và dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2019. Sau đó, Công ty tiếp tục thi công lắp đặt tại trụ sở các trạm 110 kV trực thuộc và theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước ngày 30-6-2019.
“Hệ thống điện năng lượng mặt trời của Điện lực Gia Lai tạo ra tổng sản lượng điện trung bình khoảng hơn 102.644 kWh/năm. Cụ thể, từ tháng 4-2018 đến nay, hệ thống này đã tạo ra tổng sản lượng điện là 102.644 kWh, trong đó, cung cấp cho Văn phòng Công ty là 72.876 kWh, góp phần tiết kiệm trên 152 triệu đồng tiền điện, tương đương khoảng gần 13 triệu đồng mỗi tháng. Đồng thời, hệ thống điện mặt trời áp mái cũng đã phát lên lưới điện tổng sản lượng 29.768 kWh để cung cấp điện cho khách hàng”-ông Võ Công Hiền-phụ trách truyền thông Văn phòng Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết.
Tiềm năng cần khai thác
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên, số giờ nắng đạt 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm. Với điều kiện khí hậu thuận lợi và lợi ích của việc sử dụng điện năng lượng mặt trời, đến nay, tỉnh ta đã có 27 hộ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 168.130 kWp. Hiện đã có 11 cá nhân và tập thể đăng ký với Công ty Điện lực Gia Lai về việc bán điện dư. Con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Những lợi ích của việc lắp đặt, sử dụng nguồn năng lượng từ hệ thống điện áp mái đã được Công ty Điện lực Gia Lai chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền đến các cá nhân và tập thể tại các địa phương. Bà Nguyễn Thị Bích Liễu-Phó Giám đốc Điện lực Pleiku-cho biết: “Để người dân hiểu hơn về lợi ích của việc đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, Điện lực Pleiku đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đến khách hàng như giới thiệu, quảng bá khi khách hàng đến hợp đồng lắp điện, hay thông qua các chương trình như: tháng “Tri ân khách hàng”, chương trình “Gia đình tiết kiệm điện”, chương trình “Tiết kiệm điện trong trường học”...
Về phía ngành Điện, việc đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục cho người dân. Còn về phía người dân, hệ thống này sẽ giúp giảm số tiền điện phải chi trả hàng tháng, đồng thời số điện còn dư có thể bán lại cho ngành Điện. Và quan trọng hơn hết, việc sử dụng năng lượng mặt trời chuyển hóa thành nhiệt năng, điện năng chính là góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính để bảo vệ cuộc sống con người trong hiện tại và tương lai.
HÀ DUY