Bộ Công thương vừa đề xuất giảm giá mua điện mặt trời áp mái còn 1.916 đồng (khoảng 8,38 cent) từ mức cũ là 9,35 cent/kWh. Người lắp điện mặt trời trên mái nhà sẽ giảm lợi ích thế nào?
Lắp đặt pin mặt trời tại một dự án ở hồ Dầu Tiếng, Bình Dương - Ảnh: TỰ TRUNG
Với mức giá cố định (giá FIT) 8,38 cent/kWh Bộ Công thương đưa ra, ông Vũ Đình Khánh - giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng HIGG - cho biết đây vẫn là mức giá mà các doanh nghiệp và hộ dân có thể đầu tư điện mặt trời trên mái nhà.
Tuy nhiên, ông Khánh cho rằng thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài hơn so với 9,35 cent/kWh như đã áp dụng trước 30-6-2019.
Giảm không đáng kể
Lấy ví dụ từ các gia đình lắp đặt điện mặt trời, ông Khánh cho biết một hộ gia đình ở TP.HCM có diện tích mái nhà 100m2 có thể lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 15kW. Giá lắp đặt trọn gói hiện nay khoảng 220 triệu đồng, theo ông Khánh, với lượng bức xạ lớn ở khu vực phía Nam, trung bình mỗi tháng hệ thống này có thể sản xuất hơn 2.000kWh điện. Trước đây, với mức giá 9,35 cent/kWh phát lên lưới, người dùng sẽ được trả 4.268.000 đồng. Như vậy, khoảng 4,3 năm người dùng sẽ thu hồi vốn. Còn với mức giá 8,38 cent/kWh, người dùng thu về 3.832.000 đồng/tháng và cần khoảng 4,7 năm để thu hồi vốn, dài hơn 4 tháng so với mức giá cũ.
Tuy vậy, ông Khánh cho biết so với thời điểm trước 30-6, hiện nay công nghệ pin mặt trời đã có những cải tiến, giúp tăng hiệu suất của các tấm pin trên cùng một diện tích và giá thành tấm pin cũng đã rẻ hơn nên việc thu hồi vốn dù có đội lên cũng không chênh lệch quá lớn.
"Với giá 8,38 cent/kWh, điện mặt trời áp mái vẫn hấp dẫn với khách hàng bởi thời gian sử dụng hệ thống kéo dài 25-30 năm và hệ thống còn giúp người dùng giảm số kWh điện dùng ở mức giá cao theo giá điện bậc thang" - ông Khánh nói và cho biết thêm mức giá này vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư điện mặt trời công suất lớn để bán lại.
So sánh hiệu quả một dự án điện mặt trời áp mái cung ứng 2.000 kWh/tháng - Dữ liệu: N.HIỂN - Đồ họa: T.ĐẠT
Cân nhắc vì đầu tư lớn, thu tiền nhỏ giọt
Trong khi đó, ông Phan Đình Hiển (Bình Dương) cho biết với mức giá 1.916 đồng/kWh, ông sẽ cân nhắc khi đầu tư điện mặt trời trên mái dãy nhà trọ của mình với diện tích hơn 300m2. Theo ông Hiển, mức giá trên khi tính thêm 10% thuế VAT, khấu hao sản phẩm và giảm hiệu suất theo thời gian thì việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thu về tiền nhỏ giọt chưa phải là phương án tối ưu.
Ông Thái Huy Đức - giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Điện Xanh - cho biết thời gian qua dù chưa có giá FIT, các doanh nghiệp vẫn làm việc với các ngân hàng, nhà xưởng ở khu vực phía Nam để thực hiện và ký thỏa thuận nhiều dự án lắp điện mặt trời trên mái nhà với mức giá 9,35 cent/kWh. Do đó, khi giá FIT giảm đến 10% sẽ khiến nhiều doanh nghiệp "vỡ kế hoạch" và phải tính toán lại từ đầu, thậm chí xem xét khả năng triển khai dự án.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Đức cho rằng mức giảm trên sẽ kéo dài thời gian thu hồi vốn, song về mặt hiệu quả vẫn "chấp nhận được".
Theo ông Đức, trước đây các khách hàng thường sử dụng tấm pin công suất 330W, nhưng hiện nay giá của tấm pin 400W đã xuống ở mức giá sàn bằng với pin 330W nên cùng một diện tích, một suất đầu tư, hiệu suất của thiết bị đã tăng hơn.
Đối với các mái nhà xưởng công nghiệp có diện tích lớn, ông Đức cho biết giá FIT giảm có ảnh hưởng đến nhà đầu tư, song chủ yếu các doanh nghiệp sử dụng điện năng cho hoạt động sản xuất của mình nên xu hướng lắp điện mặt trời ở quy mô công nghiệp này vẫn tăng.
Còn với các hộ gia đình, ông Đức đánh giá việc thay đổi giá FIT trên không ảnh hưởng nhiều bởi phần lớn hộ dân mái nhà nhỏ, đầu tư chủ yếu để sử dụng cho các thiết bị điện trong nhà nên công suất dư thừa phát lên lưới không đáng kể.
Người dân không nhất thiết phải bán cho EVN Theo dự thảo của Bộ Công thương đề xuất giá điện mặt trời trên mái nhà, sẽ áp dụng chung trên toàn quốc giá mua điện mặt trời áp mái là 1.916 đồng/kWh, tương đương với 8,38 cent/kWh (chưa gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VND/USD). Đặc biệt, điện mặt trời áp mái sẽ được phép bán một phần hoặc toàn bộ cho EVN hoặc bên mua khác không đấu nối vào lưới điện của EVN (không bán cho EVN, có thể tự thỏa thuận hợp đồng mua bán điện và giá điện phù hợp với quy định). Nếu mua của dân, EVN ngoài việc thanh toán tiền điện mặt trời còn phải đầu tư, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị đo đếm điện năng. Các đơn vị đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo an toàn điện. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết giá điện mặt trời áp mái được đưa ra trong dự thảo đã tham vấn các đối tác tư vấn như Ngân hàng Thế giới. Hiện công nghệ điện mặt trời giá thành đầu tư đã rẻ. "Tất cả mức giá đấy đều đã được tính toán để đảm bảo nhà đầu tư có thu hồi vốn và có lợi nhuận" - vị này nói. |
Ngọc An (TTO)