Sức khỏe

Điều gì xảy ra nếu bạn thường xuyên uống thuốc giảm đau?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Uống thuốc giảm đau mỗi ngày khiến bạn có nguy cơ mắc phải nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Chớ lạm dụng thuốc giảm đau ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Chớ lạm dụng thuốc giảm đau ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Một nghiên cứu vào tháng 1.2018 trên tạp chí về an toàn khi dùng thuốc - Pharmacoepidemiology & Drug Safety, cho thấy có tới 15% người dùng thuốc giảm đau nhiều hơn liều khuyến cáo, 16% dùng ibuprofen mỗi ngày và 55% sử dụng ít nhất 3 ngày một tuần, theo Live Strong.
Mọi người nghĩ rằng loại thuốc này an toàn vì có thể mua ở bất kỳ tiệm thuốc nào, chuyên gia về giảm đau, tiến sĩ Lynn Webster, tác giả của sách The Painful Truth, cho biết.
Nhưng thực tế, bạn có thể phải đối mặt với những tác dụng phụ khá nguy hiểm nếu uống nhiều hơn mức cho phép.
Tiến sĩ - bác sĩ (TS.BS) chuyên khoa tiêu hóa Byron Cryer, phó hiệu trưởng tại Trung tâm Y tế UT Southwestern Medical Center (Mỹ), chuyên nghiên cứu về độc tính của thuốc giảm đau kháng viêm, cho biết đó là các loại thuốc giảm đau, kháng viêm và hạ sốt, và được chỉ định để giảm đau chỉ trong thời gian ngắn.
Thuốc giảm đau thông thường nói chung an toàn nếu sử dụng đúng liều lượng và thời gian khuyến cáo trên nhãn, TS.BS Cryer nói.
Nhưng thực sự thì không có loại thuốc nào là không có tác dụng phụ, uống càng nhiều và  càng lâu thì càng không có lợi cho sức khỏe
Sau đây là những tác hại của thuốc giảm đau nếu uống thường xuyên, theo Live Strong.
1. Gây chảy máu đường ruột
Tác dụng phụ lớn nhất của việc uống quá nhiều thuốc giảm đau là gây loét, chảy máu trong dạ dày hoặc đường tiêu hóa.
TS.BS Cryer giải thích, thuốc giảm đau làm mức độ của prostaglandin - một chất có trong dạ dày giúp bảo vệ chống lại tổn thương và loét dạ dày.
Mức prostaglandin này giảm làm tăng nguy cơ chảy máu đường ruột.
Nếu bị đau hoặc khó chịu ở dạ dày, chóng mặt, nôn ra máu hoặc phân chuyển sang màu đen, hãy ngừng dùng thuốc giảm đau và đi khám ngay, đây là những triệu chứng phổ biến của chảy máu đường ruột.
Người trên 65 tuổi, người có tiền sử loét dạ dày, đang uống thuốc trị mỡ máu hoặc thuốc kháng viêm hoặc uống rượu thường xuyên, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau. Nếu dùng thuốc giảm đau không liên tục thì sẽ ít tác hại hơn.

Thận là cơ quan bị tác hại nặng nhất nếu lạm dụng thuốc giảm đau ẢNH: SHUTTERSTOCK
Thận là cơ quan bị tác hại nặng nhất nếu lạm dụng thuốc giảm đau ẢNH: SHUTTERSTOCK
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo không sử dụng thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật tim nếu bị dị ứng với thuốc giảm đau.
2. Dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ
Ngoại trừ aspirin, thuốc giảm đau có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ trong vòng vài tuần. Theo FDA, uống thuốc giảm đau càng lâu, nguy cơ càng cao.
Các triệu chứng của suy tim hoặc đột quỵ do thuốc giảm đau gồm đau ngực, khó thở, yếu đột ngột ở một vùng cơ thể và nói lắp.
Ngoài ra, một nghiên cứu tháng 8.2014 trên tạp chí American Family Physician xác nhận rằng ibuprofen dẫn đến tăng huyết áp.
TS Ankur Shah, BS tại Khoa Bệnh thận & Huyết áp cao tại Đại học Y Brown (Mỹ), cho biết dùng thuốc giảm đau trong thời gian dài khiến cơ thể giữ lại natri và muối, có thể làm cho huyết áp tăng lên.
Đó là lý do tại sao cần phải dùng thuốc giảm đau liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất và sử dụng càng ít càng tốt, theo Live Strong.
3. Có thể gây hại cho thận
Thận là cơ quan bị tác hại nặng nhất nếu lạm dụng thuốc giảm đau.
TS Shah nói, vì thuốc giảm đau ức chế sự tổng hợp prostaglandin, việc sử dụng mạn tính có thể dẫn đến suy thận. Từ đó, khiến lưu lượng máu đến thận kém, dị ứng cấp tính với thuốc giảm đau biểu hiện ở thận, khiến protein tràn ra nước tiểu.
Thuốc giảm đau cũng có thể làm cho bệnh cao huyết áp nặng thêm, có thể gây ra tổn thương cấp tính và mạn tính cho thận, tiến sĩ Shah nói.
Thuốc giảm đau còn có thể gây tích trữ nước và sưng phù ở những người có vấn đề về tim mạch, có thể gây độc cho thận.
Tổn thương thận có thể biểu hiện bằng phù chân, giảm đi tiểu và tiểu ra máu, nhưng hầu hết mọi người không có triệu chứng.
Nguy hiểm là, bệnh thận là một căn bệnh thầm lặng và cách duy nhất để có thể biết được là khi xét nghiệm máu, TS Shah nói.
4. Ảnh hưởng đến thai nhi
Một báo cáo của FDA vào tháng 10.2020 cho thấy bà bầu mang thai từ 20 tuần tuổi trở lên, nếu sử dụng thuốc giảm đau, có thể gây ra các vấn đề về thận hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ở thai nhi, làm giảm lượng nước ối và có thể xảy ra biến chứng về sau, theo Live Strong.
Bạn có vô tình dùng quá liều thuốc giảm đau không?
Nếu bạn chắc chắn rằng mình không bao giờ dùng quá liều khuyến cáo, thì hãy xem đây.
Nghiên cứu về dược lý và an toàn thuốc cho thấy 37% dân số dùng nhiều dạng thuốc kết hợp cùng lúc, nhưng không biết cả hai loại đều là thuốc giảm đau.
TS.BS Cryer nói, dùng 2 loại thuốc giảm đau cùng lúc sẽ làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ, theo Live Strong.
Theo Thiên Lan (TNO)

Có thể bạn quan tâm