Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đinh Xuân: Nghệ nhân tài hoa làng Mơ Hra Đáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ở tuổi 57, nghệ nhân cồng chiêng Đinh Xuân (làng Mơ Hra Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thuộc hơn 30 bài chiêng và có gần 40 năm dạy đánh cồng chiêng cho nhiều thế hệ. Ông còn bỏ nhiều công sức gầy dựng 3 đội cồng chiêng cho làng.

Ngay từ nhỏ, Đinh Xuân đã rất mê tiếng cồng chiêng. Hễ ở đâu có lễ hội, có sử dụng cồng chiêng là cậu tìm đến, cần mẫn học hỏi cách đánh cồng chiêng từ những người già. Năm 17 tuổi, Đinh Xuân đã đánh thuần thục nhiều bài chiêng, sau đó thì dạy cho các em nhỏ trong làng. Cứ như vậy, niềm đam mê cồng chiêng luôn thôi thúc trong con người ông. “Cồng chiêng là đam mê, là tâm nguyện của tôi. Cứ nghe chiêng ngân vang, lúc bổng, lúc trầm làm tim tôi thổn thức, chân tay lại nhún nhảy”-ông Xuân bày tỏ.

Nghệ nhân Đinh Xuân (bìa trái) ôn lại các bài chiêng trước khi trình diễn. Ảnh: A.D

Nghệ nhân Đinh Xuân (bìa trái) ôn lại các bài chiêng trước khi trình diễn. Ảnh: A.D

Trong cuộc sống hiện nay, khi lớp trẻ có điều kiện tiếp cận với nhiều phương tiện giải trí khác nhau, nghệ nhân Đinh Xuân luôn đau đáu nỗi lo cồng chiêng sẽ dần bị mai một. Vì vậy, ông miệt mài truyền dạy nhiều bài chiêng-những tài sản quý giá của cha ông để lại cho thế hệ trẻ với mục đích duy nhất: “Tôi muốn bà con dân làng biết đánh cồng chiêng, vì bao đời nay ông bà ta luôn gắn bó với cồng chiêng rồi. Lễ hội, liên hoan đánh cồng chiêng, chuyện buồn, ma chay cũng sử dụng cồng chiêng… Bởi vậy, tôi luôn cố gắng truyền đạt lại các bài chiêng cho các em”.

Từ đây, nghệ nhân Đinh Xuân đã khơi dậy niềm đam mê cồng chiêng cho nhiều thanh-thiếu niên trong làng. Trong những buổi truyền dạy, người lớn, người trẻ trong làng cùng tập đánh cồng chiêng, trong đó có nhiều bài chiêng cổ, khó đánh như: Tơ Nơl, Tơ Rum, Kơ Ia… chỉ đánh trong các dịp lễ quan trọng như lễ đâm trâu, khánh thành nhà rông… “Lúc đầu, tôi tập cho các em 3 bài thôi. Khi đánh được rồi thì tập bài khác… Mỗi lần dạy khoảng 15 người”-nghệ nhân Đinh Xuân chia sẻ.

Bằng sự nhiệt huyết của mình, nghệ nhân Đinh Xuân đã góp phần gầy dựng 3 đội cồng chiêng dành cho người lớn, phụ nữ và thiếu nhi. Đến nay, các đội vẫn duy trì hoạt động đều đặn. Cùng với đó, số người biết đánh cồng chiêng ở làng ngày càng tăng, đánh rất đều tay và lưu giữ được hàng chục bài chiêng cổ. Chính sự điêu luyện trong việc trình tấu, đội cồng chiêng làng Mơ Hra Đáp luôn được tỉnh, huyện chọn đi biểu diễn ở nhiều nơi trong cả nước và tham gia các liên hoan cồng chiêng.

Nghệ nhân Đinh Xuân xem đây là phần thưởng lớn của đời mình. Còn người dân Mơ Hra Đáp thì rất tự hào và yêu quý nghệ nhân tài hoa của làng. Và, nói như ông Đinh Bơnh thì: Ông Đinh Xuân đam mê cồng chiêng từ nhỏ. Bây giờ già rồi nhưng ông ấy vẫn rất yêu thích cồng chiêng, luôn động viên, truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho con cháu. Ông đã giúp cho nhiều thế hệ ở làng Mơ Hra Đáp biết trân quý, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Ông chính là người đưa tiếng chiêng Mơ Hra Đáp vang xa khắp mọi miền đất nước.

Có thể bạn quan tâm