Kinh tế

Giá cả thị trường

Dịp Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu 70.000 - 90.000 tấn thịt lợn hơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nguồn cung trong nước khan hiếm đẩy giá thịt lợn lên cao, Chính phủ đồng ý phương án nhập khẩu thịt lợn. Ảnh: KH.V
Trước tình trạng nguồn cung thịt lợn bị giảm sút khiến giá thịt lợn bị thương lái đẩy lên cao phi lý, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại tổng đàn, phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ giải pháp nhập khẩu thêm thịt lợn thành phẩm từ các nước có quan hệ thương mại hai chiều.
Chỉ nhập khẩu mang tính thời vụ, tạm thời
Theo phân tích của Tổng cục thống kê, dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10.2019 và mức nhập khẩu như hiện nay, tổng cung thịt lợn sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn thịt. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng chung nhận định dịp Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu 70.000 - 90.000 tấn thịt lợn hơi. Để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, cần bổ sung thêm nguồn thịt lợn nhập khẩu.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành về cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán vừa được tổ chức, trước thông tin nguồn cung thịt lợn giảm sút, có thể thiếu khoảng 200 tấn thịt lợn trong dịp cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo 2 bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, xem xét nhập khẩu thịt lợn để bổ sung, đảm bảo cho nhân dân có đủ thịt lợn ăn Tết. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc nhập khẩu thịt lợn đảm bảo theo tinh thần là Chính phủ điều hòa cung-cầu thịt lợn để đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong lưu thông, phân phối. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt lợn chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết nhu cầu trước mắt của thị trường, nhằm bình ổn giá thịt lợn, không nhập thường xuyên. Theo đó, Bộ Công Thương cần có kế hoạch nhập từng tháng bao nhiêu, phải sớm có báo cáo với Chính phủ và có thông cáo báo chí để công bố công khai cho người dân, tránh lạm phát kỳ vọng, đánh vào đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại.
Đã sẵn sàng phương án nhập khẩu thịt lợn
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, 2 tháng còn lại và quý đầu năm sau là thời điểm có nhu cầu sử dụng thịt lợn cao nhất. Nếu không đáp ứng đủ nguồn cung sẽ dẫn đến thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Do đó, các bộ, ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh gây bất ổn tâm lý cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Việc điều tiết thị trường phải cân nhắc kỹ, cần kiểm soát kỹ cả nhập và xuất để ổn định thị trường.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết. Dự kiến Tết Nguyên đán năm nay, Hà Nội cần khoảng 44.600 tấn thịt lợn. Hiện nay, tổng đàn lợn đã giảm khoảng 20% do dịch tả lợn Châu Phi. Trong trường hợp nguồn cung khan hiếm, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, Indonesia. Bên cạnh việc dự trữ, nhằm đáp ứng được số lượng thịt lợn còn thiếu, TP.Hà Nội còn tăng cường dự trữ các sản phẩm thay thế như thịt trâu, bò, thủy sản, trứng gia cầm. Hiện nay, Brazil, Ba Lan, Mỹ, Bỉ, Tây Ban Nha… là 5 thị trường đang dẫn đầu về lượng và kim ngạch xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam. Trong đó, Brazil giữ vị trí số 1, chiếm hơn 50% tổng lượng lẫn kim ngạch (hơn 5.685 tấn và 11,4 triệu USD).
Tại TPHCM, số liệu của Cục Hải quan TPHCM cũng cho biết, qua 9 tháng của năm 2019 (tính từ 1.1 tới 15.10) có 10.820 tấn thịt lợn được nhập khẩu qua cửa khẩu hải quan TPHCM, kim ngạch hơn 21,325 triệu USD. Chỉ riêng trong 8 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 18.000 tấn. Theo đó, số lượng lợn nhập khẩu đã tăng 155% và tăng 154% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Brazil với 5.685 tấn, tương ứng kim ngạch 11,408 triệu USD; Ba Lan: 1.494 tấn, tương ứng 2,869 triệu USD; Mỹ: 1.109 tấn với kim ngạch 2,317 triệu USD... Lượng thịt lợn nhập khẩu hầu hết được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm (giò, chả, xúc xích…), ít bán lẻ ra thị trường do sức mua kém bởi hiện nay người tiêu dùng trong nước vẫn có thói quen sử dụng thịt lợn “nóng” giết mổ trực tiếp không qua cấp đông, làm mát.
Bộ NNPTNT cho biết, bộ đang theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Nhưng về lâu dài, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, cần tăng cường kiểm soát chất lượng thịt lợn nhập khẩu. Trong giai đoạn hội nhập với các mối quan hệ thương mại song phương và đa phương, Việt Nam mở cửa thị trường ngày càng lớn, không thể ngăn cấm hàng hóa nước khác vào nước ta theo kiểu “bế quan tỏa cảng”.
Phong Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm