Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Đò ngang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà ở bên bờ sông, cách bến đò bởi vạt cải ngồng và rặng tre um tùm soi bóng nước. Những trò chơi thuở nhỏ thường diễn ra nơi bến sông này. Nhất là mùa sông cạn, đám trẻ chúng tôi hay lội xuống nước bắt cua, cá hay trèo lên chiếc đò nằm gối bãi nghịch phá. Thế nên khi đi xa, nhớ về quê nhà, nhiều người không thể không nhớ về chiếc đò ngang qua lại bến sông mà họ từng gắn bó khi đi chợ, đi làm đồng.
Con sông quê đẹp và yên bình lắm. Khi chảy qua làng nó uốn cong như một nét vẽ mềm mại, gợi cảm. Hai bên bờ là những rặng tre xanh mát và rất ngẫu nhiên nơi những bến đò đều có cây đa, cây bồ đề hay cây si mọc lên, cành lá sum suê. Mấy loại cây này thường đến mùa thì thay lá, đổ xuống bến sông vào những trưa hè gió nồm nam. Sóng gợn lăn tăn, đưa những chiếc lá ngả vàng trôi về phía biển…
Làng nguyên thủy là bãi bồi, theo thời gian con sông rẽ dòng chia nước nên dần dần đẩy làng qua phía bên này. Cha tôi kể, ngày trước, con sông chỉ là một cái lạch nhỏ, nước sâu hun hút, khoét lõm vào bờ, rộng chỉ vài sải tay. Rồi theo năm theo tháng, mấy mùa lũ đi qua, con sông đổi hình thay dạng. Và làng cũng dịch dần về phía bên này. Thế nên, muốn đi chợ hay làm đồng người dân phải qua bên kia sông. Và dĩ nhiên việc đi học của bọn trẻ cũng thế, chỉ trường làng lèo tèo vài phòng học tranh tre nứa lá mới được cất bên này. Đến THCS, THPT, lũ bạn nghỉ dần, chỉ còn vài đứa lên đò qua sông. Chiếc đò ngang gắn bó quanh năm, chỉ hôm nào lũ về, nước chảy cuồn cuộn ngầu đục thì chúng tôi không đi học, đứng trên bờ ngóng vọng qua phía bên kia. Tiếng trống trường vẫn vang lên đều đặn.
Cứ thế, một quãng đời dài, gắn bó với dòng sông con nước lớn ròng, những chuyến đò ngang rẽ dòng tách bến. Để sau này xa quê, mỗi lần ngang qua một dòng sông nào đó, lòng lại chênh chao bao nỗi niềm khó tả về dòng sông quê mẹ, về con đò đã nghỉ ngơi nơi bến cũ vì cha thôi đưa đò, bởi phía hạ lưu, một chiếc cầu đã bắc qua sông.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Tôi yêu con sông quê lặng thầm những con nước. Tôi nhớ những chuyến đò đầy cho kịp buổi chợ phiên. Tôi không thể nào quên được hình dáng cha đứng ở mũi đò, hai tay nắm chặt cây sào dài, chống xuống nước tạo lực đẩy chiếc đò băng đi. Cha nâu sồng trong manh áo mỏng, chiếc quần vải thô nhuộm đen dân dã, quê mùa. Tóc cha ngả màu sương gió, đầu cha lúc nào cũng ngẩng cao. Toàn thân như rướn về phía trước. Công việc chèo đò vất vả nhất khi gặp nước lên, cha phải gồng mình, lấy hết sức chống đẩy. Tuy vậy, cha cũng luôn mỉm cười, chuyện trò với những khách quen cho quên mệt nhọc. Lúc chiều nhập nhoạng bóng người, trước khi neo đò bằng sợi dây thừng vào gốc cây si, cha thường châm điếu thuốc, nhìn quanh khắp dòng sông, triền đê, bãi cát, trông thư thái làm sao. Có nhiều hôm, dù đã đêm, khi nghe tiếng gọi “đò ơi, ơi đò” văng vẳng từ bờ bên kia, cha vẫn lật đật xuống bến mở dây neo. Mẹ ái ngại chạy theo, cha ngoái lại nhìn, cười trấn an. Để rồi, mẹ cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên, tay cầm ngọn đèn bão đợi cha.
Nơi bến sông có con đò nằm im bến, tôi đã chứng kiến chị tôi nước mắt ngắn dài tiễn đưa người yêu đi học xa, để mấy năm sau lại khóc sưng vù đôi mắt khi biết tin người ấy chẳng quay về. Mẹ không trách móc, hờn giận chị, chỉ ôm vai con gái rồi cứ thế để chị khóc. Mẹ tôi gốc gác chân quê, sớm tối quẩn quanh bờ tre, ruộng lúa nên nhớ thương cũng chỉ là một cảm giác rất đỗi bình thường, bởi cha tôi chỉ âm thầm sống, làm việc cũng âm thầm qua lại chuyến đò ngang. Nhưng sự chân thành trong tình yêu thương nhiều lúc khiến tôi bất ngờ, trân trọng. Mẹ dạy chị em tôi nhiều điều hay lẽ phải. Những lời ru được mẹ cất lên đã gieo vào tâm hồn non nớt, dại khờ của chúng tôi về đối nhân xử thế, về những nông sâu của cuộc đời: “Ra đi mẹ dặn câu này/Sông sâu chớ lội đò đầy đừng qua”.
Tôi mang theo lời ru ấy như một hành trang quý giá. Cả tiếng gọi đò thân thuộc lúc chiều muộn cũng day dứt, ẩn sâu bao nỗi niềm. Bởi với tôi, con đò ngang không chỉ chở người qua sông mà còn chở theo cả những phận đời.
SƠN TRẦN

Có thể bạn quan tâm